CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

H2 - QUAN ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ TRIẾT HỌC VỀ TÍNH TẤT YẾU NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC VIỆT NAM

 

Tính tất yếu nghiên cứu lịch sử triết học đã được các nhà triết học ở phương Đông và phương Tây khẳng định. Platôn là người đầu tiên nêu lên sự cần thiết nghiên cứu lịch sử triết học và nguyên tắc tiếp cận có phê phán đối với triết học quá khứ. Arixtốt đã đề xuất và áp dụng hàng loạt những nguyên tắc nghiên cứu lịch sử triết học. Hêghen là người đặt nền móng cho cho khoa học lịch sử triết học với tính cách là một môn khoa học riêng biệt. Đối với Hêghen lịch sử triết học hoàn toàn không phải là một bộ sưu tập, một sự liệt kê các ý kiến hoặc các tư tưởng đã từng có trong lịch sử, mà thực chất đó là một sự vận động tiến tới, tuần tự và tất yếu một cách nội tại. Mặc dù đã chỉ rõ tính cấp thiết, những nguyên tắc có sức thuyết phục để nghiên cứu lịch sử triết học, song Hêghen chỉ coi lịch sử triết học là sự vận động thuần túy của tư tưởng, ông ít nhiều coi thường, hạ thấp thậm chí là xuyên tạc triết học duy vật và vai trò của triết học này trong lịch sử.

C. Mác, Ph. Ăngghen, và V.I. Lênin đều đã dành không ít thời gian và các công trình để nghiên cứu lịch sử triết học thời trước, kể từ triết học Hy Lạp - La Mã trở đi ở phương Tây đến triết học Ấn Độ ở phương Đông. C. Mác đã chọn đề tài “Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrít và triết học tự nhiên của Êpiquya” để viết luận án tiến sĩ của mình. Khi nghiên cứu các công trình của C. Mác, Ph. Ăngghen, và V.I. Lênin chúng ta thấy rõ những đánh giá ngắn gọn, súc tích về nhiều nhà triết học trong các thời đại trước do các ông thực hiện. Những đánh giá đó không những là chỗ dựa quan trọng để tiến hành nghiên cứu triết học thế giới nói chung mà còn để giúp chúng ta nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học của chính dân tộc mình.

Từ những ý kiến đánh giá rất sâu sắc nêu trên của các nhà triết học lớn của nhân loại, nhất là của C. Mác, Ph. Ăngghen, và V.I. Lênin, chúng ta thấy rõ vai trò hết sức quan trọng của lịch sử triết học trong tư duy nhân loại. Kiến thức về lịch sử triết học thực sự là kiến thức nền tảng, do vậy nắm kiến thức lịch sử triết học là đòi hỏi bắt buộc với tất cả những ai muốn đi sâu vào nghiên cứu, giảng dạy lịch sử triết học, đó cũng là điều kiện để phát triển văn hóa tư duy lý luận nói chung; trong đó có lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.

NTL-H2

0 nhận xét: