Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Tuy nhiên, thế giới đang trải qua một thời kỳ có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau quyết liệt, giành vị thế và lợi ích gây ra tình hình phức tạp tại nhiều khu vực và nhiều nước. Xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, chiến tranh cục bộ, chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng, các hoạt động can thiệp, lật đổ, bất tuân dân sự, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên… diễn ra dưới những hình thức mới, gay gắt hơn. Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống như: An ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… diễn biến nghiêm trọng. Chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng gia tăng mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn.
Nhìn
toàn cục, sau 30 năm kết thúc Chiến tranh lạnh, trong những mức độ khác nhau,
thế giới chưa bao giờ im tiếng súng. Những loại vũ khí giết người hàng loạt vẫn
được đua nhau sản xuất và nguy hiểm hơn là được đưa tới những điểm nóng. Việc
đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực vẫn được nhiều thế lực xác định là công cụ quan
trọng để đạt mục tiêu bành trướng, áp đặt. Xu hướng tập hợp lực lượng,
liên kết - đấu tranh vì lợi ích quốc gia - dân tộc diễn ra gay gắt, đặt các nước
đang phát triển, nhất là những nước vừa và nhỏ, trước nhiều sức ép, đặc biệt dưới
tác động của cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn.
Theo
đó, sự gắn kết về lợi ích gia tăng cùng với nhận thức về trách nhiệm chung
trong giải quyết những vấn đề toàn cầu trở thành yếu tố thuận lợi cho không khí
hợp tác và đối thoại. Cùng với xu thế đa cực hóa và dân chủ hóa quan hệ quốc tế
tiếp tục được đẩy mạnh, các dân tộc nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự cường,
ngăn ngừa những hành vi áp đặt và can thiệp của các thế lực cường quyền; các nước
có cơ hội để triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng
hóa, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển.
Kinh
tế thế giới vừa được phục hồi một bước sau khủng hoảng tài chính và suy thoái
toàn cầu song tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng và
suy thoái. Chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường,
công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt. Cách
thức giải quyết, ứng phó các vấn đề kinh tế - xã hội nảy sinh sau khủng hoảng,
nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế,
chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng đổi mới sáng tạo, là những kinh nghiệm
quý giúp các nước vượt qua được những thách thức đó để phát triển nhanh và bền
vững.
Cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc
tế đang là hai xu thế lớn, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển của nhân loại.
Những đột phá công nghệ diễn ra nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, như: trí tuệ
nhân tạo, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật,
robots, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, lưu trữ năng
lượng… đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm và sản
xuất, kinh doanh. Sự đan xen của các quá trình hội nhập đưa thế giới đến một “cấu
trúc ma trận” các hiệp định tự do thương mại (FTA) trên nhiều tuyến và nhiều cấp
độ, trong đó phải kể đến các FTA thế hệ mới.
Xu
thế đổi mới công nghệ diễn ra nhanh, đặt ra nguy cơ lớn về tụt hậu song cũng là
điều kiện cho các nước đi sau thực hiện các bước phát triển rút ngắn qua việc tận
dụng những thành quả phát triển của nhân loại. Tuy không có ưu thế về công nghệ,
vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản lý và điều hành nền kinh tế...
như các nước phát triển, nhưng nhờ hội nhập và chuyển đổi sang nền kinh tế thị
trường, các nước đang phát triển có thể huy động và phân bổ hiệu quả hơn các
nguồn lực, tiếp nhận kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm quốc tế, để thực hiện
“đi tắt, đón đầu”.
Tuy
nhiên, toàn cầu hoá gắn liền với chủ nghĩa tự do mới đang làm gia tăng bất bình
đẳng xã hội. Sự bùng nổ của phong trào “Chiếm Phố Wall” tại Mỹ, sự ủng hộ của
người dân Anh đối với phương án rời khỏi EU (Brexit), làn sóng biểu tình áo
vàng tại Pháp… cho thấy trong lúc toàn cầu hóa mang lại sự giàu có cho một số
ít người thì vẫn có một số đông dân chúng bị đẩy ra bên lề xã hội.
Xu
hướng co cụm xuất hiện ngay cả ở những nền kinh tế lớn như thể hiện qua chính
sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đang làm suy yếu tiến trình
đa phương. Bởi vậy, các nước đang hướng về những cách tiếp cận như “toàn cầu
hóa bao trùm”, “toàn cầu hóa 4.0” để định hình những chuẩn mực, quy tắc mới về
quản trị toàn cầu với yêu cầu phải quan tâm hơn tới những người bị bỏ lại phía
sau trong tiến trình phát triển và hội nhập.
Khu
vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục phát triển
năng động có vị trí địa kinh tế - chính trị ngày càng quan trọng. Đây cũng
là địa bàn cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc, thể hiện qua những
sáng kiến và kế hoạch lớn như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở,
Vành Đai con đường, v.v... buộc các nước vừa và nhỏ phải lựa chọn đối sách tham
gia. Các hành vi đơn phương, chính trị cường quyền nước lớn và tranh chấp lãnh
thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực, nhất là trên Biển Đông diễn ra căng thẳng,
phức tạp hơn. ASEAN đã trở thành một lực lượng được các nước ngày càng coi
trọng, đóng vai trò trung tâm trong tăng trưởng kinh tế, bảo đảm môi trường hòa
bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, sự tranh thủ lôi kéo, gây sức ép và can thiệp
của các nước lớn, cùng với những tính toán lợi ích riêng của một số nước thành
viên, là yếu tố cản trở ASEAN có tiếng nói chung trong một số vấn đề khu vực,
tác động không nhỏ đến tính thống nhất của tổ chức này. Tiểu vùng Mêkông tiếp tục
là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế nhờ quá trình mở cửa, cải cách, chuyển đổi
sang cơ chế thị trường và tăng cường hợp tác xuyên biên giới; song các vấn đề về
ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn nước ngọt và nước biển dâng đang là thách
thức không nhỏ đối với mục tiêu phát triển bền vững của các nước trong tiểu
vùng.
Đặc
biệt, hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến mới chưa từng có
do đại dịch COVID-19 gây ra. Đại dịch COVID-19 đang tác động sâu sắc đến mọi mặt
của đời sống, nhất là kinh tế, chính trị, xã hội của hầu hết các quốc gia. Đại
dịch COVID-19 được coi là thách thức chưa từng có đối với nhân loại, bởi nó làm
đình trệ đột ngột và gần như đồng thời toàn bộ nền kinh tế thế giới, gây ra cú
sốc cung - cầu trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống con người. Nền kinh tế
thế giới đã và đang trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn chủ yếu do ảnh hưởng
của đại dịch COVID-19, các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy các chuỗi
cung ứng trên toàn cầu, các hợp đồng kinh tế bị phá vỡ, các cơ hội kinh doanh bị
mất đi, dẫn tới giảm thu nhập của người lao động, tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm
nguồn thu ngân sách nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng… Đại dịch
COVID-19 đã gây ra thiệt hại và tác động mạnh mẽ, sâu rộng hơn gấp
nhiều lần so với các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đã từng xảy ra./.
LXD-H3
0 nhận xét:
Đăng nhận xét