Gần đây, trên trang một số trang mạng xã hội phản
động đã đăng tải nhiều bài viết có ý kích động, xuyên tạc đường lối đối
ngoại của Đảng, Nhà nước ta, nhất là trong mối quan hệ với Trung Quốc. Những luận
điệu này cần phải kịp thời đấu tranh bác bỏ.
Cần nhận thức rằng, những bất đồng, tranh chấp ở
Biển Đông hiện nay không chỉ liên quan đến 5 nước 6 bên có yêu sách chủ quyền
mà còn trực tiếp liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng
hải, hàng không ở Biển Đông và khu vực. Đây là vấn đề phức tạp, lâu dài, không
thể giải quyết ngay trong ngày một, ngày hai và vấn đề Biển Đông không thể do một
nước lớn hay một vài cường quốc nào đó dàn xếp, quyết định. Càng không thể giải
quyết được vấn đề phức tạp ở Biển Đông bằng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng
vũ lực. Vì sẽ không thể có hòa bình, ổn định và phát triển lành mạnh ở Biển
Đông nếu ở đây chân lý thuộc về kẻ mạnh, nếu những tranh chấp, bất đồng được
các bên hành xử theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Do đó, giải quyết vấn đề Biển
Đông tất yếu phải bằng các cơ chế đàm phán, thương lượng hòa bình song phương
và đa phương trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên
bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển
Đông (COC).
Hơn nữa, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hiện nay phải
bằng sức mạnh tổng hợp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Kết hợp sức mạnh dân tộc
và sức mạnh thời đại, nội lực và ngoại lực, bằng cả sức mạnh trong nước và sức
mạnh của cộng đồng quốc tế chứ không thể chỉ dựa vào việc liên minh quân sự với
một cường quốc, một nước phát triển. Trong điều kiện các nước đều đề cao lợi
ích quốc gia, dân tộc thì hiếm có một “nước phát triển”, một “cường quốc” nào lại
đi bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc cho quốc gia, dân tộc khác một cách vô tư,
không tính toán. Do đó, dựa vào một nước nào đó cho dù là “nước phát triển”,
“cường quốc” thì không những không giải quyết được vấn đề mà thậm chí còn làm
trầm trọng, căng thẳng và phức tạp thêm tình hình. Thực tế cho thấy, là đồng
minh của Nhật, nhưng lâu nay Mỹ cũng chẳng giúp được gì cho Nhật Bản trong việc
khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư); hay
như cả Mỹ và Liên minh châu Âu “bảo trợ” khá toàn diện cho U-crai-na nhưng đất
nước này vẫn rơi vào khủng hoảng và không thể giữ được bán đảo Crưm…
Mặt khác, “liên minh” với một nước nào đó để chống
nước khác tức là chúng ta đã tự tạo cho mình thêm một kẻ thù. Càng tai hại hơn
nếu đó lại là một quốc gia có địa chính trị “núi liền núi, sông liền sông”. Lịch
sử đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho việc tồn tại độc lập bên cạnh một láng
giềng luôn tìm cách “đồng hóa” chúng ta, đó không chỉ là nhờ vào những chiến
công hiển hách như lời hiệu triệu của các bản Tuyên ngôn “Hịch tướng sĩ” hay “Đại
cáo bình Ngô”… mà còn nhờ vào chính sách ngoại giao mềm dẻo ngay sau mỗi chiến
thắng của các tướng anh minh vì dân, vì nước. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”,
“nước xa không cứu được lửa gần”… những câu dặn dò của cha ông xưa vẫn còn
nguyên giá trị. Hơn nữa, trong quan hệ quốc tế đương đại, các nước vừa hợp tác,
vừa đấu tranh với nhau. Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản… vừa là chủ nợ, vừa
là con nợ, vừa là đối thủ, vừa là đối tác lớn của nhau. Do đó, việc nêu “quan
điểm” đi theo (liên minh với) nước này để chống nước khác nhằm bảo vệ chủ quyền
biển, đảo là ảo tưởng, ngây thơ, hài hước…
Là những người Việt Nam yêu nước, chúng ta cần phải
cảnh giác, đấu tranh bác bỏ các luận điệu thâm độc của kẻ thù góp phần xây dựng
và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét