Những năm gần đây, hiện tượng a dua, phụ họa,
thờ ơ trước những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái núp dưới cái mũ “tiến
bộ, đổi mới” đã và đang xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây
chính là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” hết sức nguy hiểm đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ
ra và cần được ngăn chặn và đẩy lùi.
Hiện tượng a dua, phụ họa có thể do vô tình;
thiếu hiểu biết hay nhận thức hạn chế nhưng lại có thể dẫn đến những tác hại
khôn lường. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng
đã xác định trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị có việc: “Phai nhạt
lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai
trái…”. Và từ việc a dua, phụ họa này, không ít người sẽ bị lợi dụng, dẫn đến
những sai trái nghiêm trọng hơn, tiến tới một trong những biểu hiện “tự diễn biến",
"tự chuyển hóa”, đó là: “Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến,
chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền
thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng,
gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Những hiện tượng “a dua chính trị” đã và đang xảy
ra với nhiều sự việc đáng cảnh báo. Đáng chú ý như: Dư luận xã hội đã ít nhiều
bị ảnh hưởng từ bức tâm thư của nhóm một số cựu quan chức, trí thức, trong đó
có cả những người từng là lãnh đạo bộ, ngành về dự thảo Luật Anh ninh mạng hoặc
việc người dân hiểu sai, bị kích động gây rối vì những thông tin, phát biểu sơ
hở, cảm tính, không đúng thực tế của một vài vị đại biểu Quốc hội, người nổi tiếng
về dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú
Quốc. Thậm chí, có cả một giảng viên, phó giáo sư ở một trường đại học cũng thường
xuyên đăng tải thông tin xét lại, phản bác Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, ca tụng dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây. Đáng tiếc rằng những
thông tin lệch lạc, sự việc sai trái trên vẫn được một số người, trong đó có cả
cán bộ, đảng viên cổ xúy, chia sẻ trên mạng xã hội. Bài học từ những vụ biểu
tình, gây rối có dáng dấp bạo loạn gần đây cho thấy một bộ phận không nhỏ người
dân, lớp trẻ chỉ vì tâm lý đám đông đã a dua, hùa theo và dẫn đến vi phạm pháp
luật. Còn với những người a dua trên mạng xã hội, thông tin xấu mà họ tán phát
có thể tạo ra dư luận xã hội tiêu cực, dẫn đường cho những hành vi sai trái.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn nhận
và cảnh báo những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, trước hết là những
biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng. Ngay từ tháng 10/1947, hai năm sau khi
giành được chính quyền, Người đã yêu cầu cán bộ, đảng viên sửa đổi lối làm việc,
chỉ rõ phải đấu tranh với những hiện tượng thờ ơ trước những nhận thức lệch lạc,
quan điểm sai trái: “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không
biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp
trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm
việc”, Người chỉ ra tới hàng chục căn bệnh của những cán bộ, công chức, như: Bệnh
nể nang; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh
thiếu kỷ luật; óc hẹp hòi; óc lãnh tụ; bệnh hữu danh vô thực; bệnh kéo bè kéo
cánh; bệnh cận thị (không nhìn xa thấy rộng); bệnh tị nạnh; bệnh xu nịnh, a
dua...
Nhìn từ bài học ở Việt Nam những năm đầu thập
niên 90 của thế kỷ trước, đất nước ta cũng từng đứng trước những sóng gió của
thời cuộc. Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân gần
đây, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phân tích: Sau hiệu ứng đô-mi-nô ở Liên
Xô và Đông Âu, sở dĩ chúng ta không tan rã, sụp đổ giống họ chính vì những người
cộng sản đã không khoanh tay, ngoảnh mặt trước những trào lưu cơ hội, xét lại
có xu hướng gia tăng, thậm chí có cả trào lưu trả lại thẻ Đảng. Chúng ta đã sớm
nhận diện, đấu tranh kiên quyết với những quan điểm sai trái và khẳng định phải
kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường độc lập
dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Để mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, người dân
nói chung không bị mắc bẫy, a dua phụ họa theo kẻ xấu thì trước tiên chúng ta
phải nhận diện rõ được các âm mưu, thủ đoạn tán phát thông tin sai trái, phản động
cũng như các đối tượng, cá nhân, tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước ta. Việc phát
ngôn, tán phát thông tin trong xã hội bùng nổ thông tin và môi trường không
gian mạng được bảo đảm tự do, dân chủ nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của
pháp luật. Đặc biệt, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chỉ tuân thủ đúng pháp luật
và đề cao trách nhiệm công dân là chưa đủ mà phải thể hiện rõ vai trò lãnh đạo,
tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên; chấp hành nghiêm túc các quy định
của Đảng… Hiện nay, các quy định như 19 điều đảng viên không được làm, Quy định
số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm
đều có những quy định rất chi tiết về phát ngôn, quản lý thông tin, không cho
phép a dua, hùa theo những quan điểm lệch lạc, sai trái. Điều 7 của Quy định số
102-QĐ/TW nêu rõ sẽ xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên đối với đảng viên “Phụ
họa, a dua theo những quan điểm trái với quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội; thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự
chuyển hóa" trong nội bộ, chống "diễn biến hòa bình”.
Những quy định này cần được thi hành nghiêm
túc; cần xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm, nhất là những cán bộ, đảng
viên có chức, có quyền đương chức và đã nghỉ hưu; không để tình trạng:
"Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng,
làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không
nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu” như Nghị quyết Trung ương 4
khóa XII đã chỉ ra.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, để không a dua,
phụ họa cho những điều sai trái thì trước hết phải luôn tu dưỡng, rèn luyện suốt
đời như lời Bác Hồ căn dặn, mà trước tiên là tu dưỡng, rèn luyện về chính trị
tư tưởng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng ở đường
lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết đấu
tranh với các hiện tượng nghĩ trái, nói trái, làm trái nền tảng tư tưởng, chủ
trương, nghị quyết của Đảng. Cùng với đó, các cơ quan pháp luật phải xử lý
nghiêm minh những đối tượng tán phát thông tin xấu độc, phản động để làm gương.
Các tổ chức đảng phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh theo pháp luật Nhà
nước, kỷ luật của Đảng đối với đảng viên a dua, phụ họa cho những thông tin sai
trái, phản động và thường xuyên có giải pháp giáo dục, quản lý, giám sát, phòng
ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét