Hiện nay, một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang diễn ra sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến tệ quan liêu,
tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân, trái với chuẩn mực đạo đức của người
cộng sản “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, làm cho nhân dân bất bình,
lo lắng. Sự suy thoái này đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra 27
nội dung cụ thể. Thực trạng đó, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm giảm
lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến công
tác xây dựng Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, sự ổn định và phát triển
của đất nước.
Chính vì vậy, Đảng ta xác
định phải kiên quyết đấu tranh “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ” là công việc cấp bách và phải được tiến hành thường xuyên
trong từng tổ chức đảng, ở mỗi cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện hiện nay, để
đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện tốt việc tăng cường giáo dục đạo đức cách
mạng và lối sống xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên. Trong đó, tập trung
nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần
thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tích cực đổi mới phương pháp giáo dục, bảo đảm
đa dạng, phong phú; gợi mở để cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự
kiểm điểm là quan trọng nhất. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục quán triệt và
đẩy mạnh học tập, làm theo tác phong và phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện cụ thể
trong công việc hằng ngày, trong quan hệ với nhân dân; tạo chuyển biến mạnh mẽ
và sâu rộng hơn nữa trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng,
kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, thực hiện nghiêm các tiêu chí về
đạo đức, lối sống; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữa sự gương mẫu,
đi đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì với duy trì nghiêm nguyên
tắc, chế độ quy định, thi hành kỷ luật Đảng.
Thực hiện nghiêm chế độ tự
phê bình, phê bình; phát huy vai trò nêu gương, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì,
chủ chốt. Cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ
người trung thực, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ
đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”. Đồng thời, hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học,
phù hợp; quy định lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, các ngành định kỳ hoặc đột xuất.
Kiên quyết, ráo riết trong
chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng ở từng cơ
quan, đơn vị. Cùng với việc chống tham nhũng, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải
kiên quyết phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bởi, nó đã và đang làm giảm sút
vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm của nhân dân đối với Đảng,
là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Cho nên, cấp ủy
các cấp phải thường xuyên rà soát, nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo,
quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp không bảo đảm về tiêu chuẩn,
điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những
trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đây là
biện pháp rất cơ bản để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và là vấn đề
sống còn của Đảng. Cần phải xây dựng quyết tâm chính trị cao ở từng tổ chức đảng
đến toàn xã hội để kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Lựa chọn để bố trí đúng cán bộ, nhất là
người đứng đầu, có đức, có tài, có bản lĩnh, có tâm huyết chống chạy chức, chạy
quyền. Trong công tác cán bộ cần có chương trình hành động cụ thể, có trọng
tâm, trọng điểm trong từng thời gian, phù hợp với từng ngành, từng địa phương,
đơn vị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị trong tổ
chức thực hiện bảo đảm tính kế thừa và phát triển, chống cục bộ, bè phái.
Đẩy mạnh công tác kiểm
tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường kiểm
tra, giám sát đảng viên chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách,
luật pháp Nhà nước; thực hiện Điều lệ Đảng, thực hiện 19 điều đảng viên không
được làm; tự soi, tự sửa theo 27 biểu hiện mà Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ
ra. Trong tổ chức thực hiện, cần có biện pháp phù hợp để kiểm tra, giám sát về
phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, nhất là những đảng
viên có chức, có quyền ở những lĩnh vực, ngành dễ xảy ra tiêu cực; kiểm tra, xử
lý phải kiên quyết đảng viên vi phạm kỷ luật. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt
trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về việc kiểm tra, giám
sát đảng viên và tổ chức đảng trong thực thi nhiệm vụ. Thông qua công tác kiểm
tra, giám sát, góp phần làm chuyển biến nhận thức trong toàn Đảng, trước hết
trong cấp ủy, lãnh đạo các cấp về tính chất nghiêm trọng và nguy cơ của tình trạng
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng,
lãng phí. Từ đó, có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt nhằm ngăn ngừa
sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và kiên quyết phòng, chống
tham nhũng, lãng phí trước sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường
hiện nay đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
TRUNG THÀNH-NN
1 nhận xét:
Cần tiếp tục giáo dục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảng viên vững vàng về chính trị tư tưởng để đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hoàn bình bạo loạn lật đỏi của kẻ thù
Đăng nhận xét