CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận không khoan nhượng

 

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học, là chân lý, có giá trị vượt thời đại, có sức sống mãnh liệt. Ngay từ khi mới xuất hiện đã bị các thế lực thù địch và phản động không ngừng xuyên tạc, phê phán, bác bỏ và chống phá quyết liệt. Trên phạm vi thế giới chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết phê phán chủ nghĩa tư bản sâu sắc nhất, triệt để nhất. Ở Việt Nam mặc dù có nhiều nhà cách mạng, nhiều nhà tư tưởng, song cũng chỉ có Hồ Chí Minh phê phán trực tiếp và đúng bản chất chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc cũng như lực lượng phản động, thù địch với dân tộc Việt Nam. Sự vạch trần và phê phán đến tận cốt tủy này đã khiến chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn thù hận và tìm mọi thủ đoạn chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các thế lực thù địch dùng trăm phương nghìn kế để bôi nhọ, phủ định sạch trơn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh:

Thứ nhất, cố tình xuyên tạc, hạ thấp vai trò chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng tuyên truyền rằng tư tưởng của C. Mác, Ph. Ăngghen cách ngày nay đã quá xa, những tư tưởng này không còn phù hợp để lý giải một xã hội phát triển như hiện nay. Hơn nữa chúng còn cho rằng, cả C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin đều xuất phát từ bối cảnh lịch sử của phương Tây, vì vậy không thể hiểu và không thể giải quyết vấn đề của phương Đông, đặc biệt là của Việt Nam. Lập luận này là sai về cả logic lẫn lịch sử. Thực tiễn cho thấy, không phải cứ thời gian càng trôi xa thì học thuyết, tư tưởng càng mất đi giá trị, bởi có những học thuyết, tư tưởng càng qua thời gian thì càng khẳng định giá trị của mình. Tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn mang đặc trưng tích lũy chứ không mang đặc trưng thay thế như kỹ thuật, công nghệ, chính vì vậy mà có những học thuyết tồn tại hàng nghìn năm qua vẫn có giá trị.

Thứ hai, tập trung tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh với hai thái cực khác nhau. Một là, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh chỉ nhắc lại tư tưởng của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin và các nhà tư tưởng vĩ đại khác chứ không có tư tưởng của riêng mình hoặc tư tưởng không trở thành mộ hệ thống. Hai là, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản. Rõ ràng cả hai quan điểm này đều sai, vì tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử Việt Nam. Người đã kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng truyền thống dân tộc và các giá trị tinh hoa của nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Hồ Chí Minh không phải là những luận điểm sáo rỗng, giáo điều mà đã chuyển hóa thành hệ thống thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, thực tiễn, trực tiếp chỉ đạo thành công cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, phủ nhận tính hợp pháp và tính chính đáng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã hết vai trò lịch sử, đảng cầm quyền là không chính đáng vì không được bầu lên, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, sẽ thất bại giống như Liên Xô và một số nước Đông Âu trước đây... Chúng cố tình quên đi rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành chính quyền từ tay ngoại xâm để xây dựng mộ nước Việt Nam mới độc lập, tự chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà còn trong công cuộc xây dựng đất nước. Thành tựu của đổi mới, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao... là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Đảng là đại diện cho ý nguyện và lợi ích của nhân dân. Nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng ta.

Thứ tư, phủ nhận mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; cho rằng, tất yếu phải đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản. Những luận điệu của chúng bắt nguồn từ việc vô tình hoặc cố ý lẫn lộn giữa hiện tượng với bản chất, giữa tính đặc thù với tính phổ biến, giữa cái riêng với cái chung. Chúng đã rêu rao tư bản chủ nghĩa là con đường duy nhất để phát triển, cố tình biến những khuyết điểm của chủ nghĩa tư bản thành ưu điểm, thần thánh hóa chủ nghĩa tư bản; khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội, quy kết thành bản chất của chủ nghĩa xã hội.

                                                                     T.H.H - LGH

 

0 nhận xét: