CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VỀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

Trong lịch sử loài người từ khi có giai cấp đối kháng tới nay là lịch sử đấu tranh giai cấp. “Đấu tranh giai cấp là đấu tranh của một bộ phận nhân dân này chống lại bộ phận khác, cuộc đấu tranh của quần chúng bị tước hết quyền, bị áp bức và lao động chống lại bọn có đặc quyền, đặc lợi và bọn ăn bám, cuộc đấu tranh của những người công nhân làm thuê hay những người vô sản chống những người hữu sản hay giai cấp tư sản”[1]. Như vậy, thực chất đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh giữa các giai cấp có địa vị kinh tế và lợi ích cơ bản đối lập nhau (lợi ích cơ bản là những giá trị vật chất và tinh thần cơ bản để thoả mãn nhu cầu nhất định của một giai cấp). Do sự đối lập mang tính đối kháng như vậy giữa các giai cấp nên đấu tranh giai cấp là tất yếu.

Thời gian vừa qua đã xuất hiện những quan điểm lệch lạc, sai trái và cả những quan điểm của thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp. Trong đó, nổi lên là quan điểm cho rằng: “trong điều kiện hiện nay, nói tới đấu tranh giai cấp là bảo thủ, lạc hậu, là gây nên sự chia rẽ, phân hoá nội bộ… làm phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc” hay: “hiện nay, nói đến đấu tranh giai cấp ở Việt Nam là đi ngược lại xu thế của thời đại, là lạc hậu, không thức thời, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay”. Do vậy, nâng cao nhận thức khoa học về đấu tranh giai cấp sẽ góp phần đấu tranh phòng chống những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay là một vấn đề khoa học, có ý nghĩa thiết thực.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã bàn nhiều về đấu tranh giai cấp và chỉ rõ những cái mới trong lý luận về vấn đề này. Điều đáng nói là, do nhu cầu của thực tiễn lịch sử, C. Mác và Ph. Ăngghen đã tập trung nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, coi đó là động lực trực tiếp của lịch sử. Nhưng các ông không bao giờ xem đấu tranh giai cấp là mục đích, là công cụ vạn năng, duy nhất để giải quyết mâu thuẫn xã hội, mà đó chỉ là phương tiện để giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Quan điểm đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. 

Trong nhiều tác phẩm, các ông đã trình bày rõ quan điểm của mình cho rằng, đấu tranh giai cấp không phải là những cuộc bạo loạn, khủng bố, lật đổ, chỉ có ý nghĩa phá hoại gây chia rẽ, bè phái, gây rối loạn, làm thiệt hại cho xã hội, mà là một quá trình tất yếu, khách quan của xã hội có áp bức giai cấp, là những cuộc đấu tranh rộng khắp của quần chúng nhân dân lao động chống lại giai cấp thống trị bảo thủ. Đấu tranh giai cấp có nguyên nhân khách quan từ sự phát triển mang tính xã hội hóa ngày càng sâu rộng của lực lượng sản xuất mâu thuẫn với quan hệ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Biểu hiện  của mâu thuẫn này về phương diện xã hội: mâu thuẫn giữa một bên là giai cấp cách mạng, tiến bộ đại diện cho phương thức sản xuất mới một bên là giai cấp thống trị, bóc lột, đại diện cho những lợi ích gắn với quan hệ sản xuất lỡi thời, lạc hậu. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tự nó không giải quyết được, mà phải thông qua cuộc đấu tranh của giai cấp bị trị lật đổ giai cấp thống trị, sau đó mới xóa bỏ được quan hệ sản xuất cũ xây dựng quan hệ sản xuất mới cho phù hợp với trình độ sản xuất mới của lực lượng sản xuất. Với ý nghĩa ấy đấu tranh giai cấp được coi là động lực trực tiếp của sự phát triển lịch sử chứ không phải là sự gây rối, phá hoại. Trong xã hội có giai cấp đối kháng về mặt lợi ích thì tất yếu có đấu tranh giai cấp. Điều đó hoàn toàn không phụ thuộc vào việc người ta có nói về nó hay không, hoặc nói như thế nào về nó. Không phải cứ cố tình không nói đến đấu tranh giai cấp thì trên thực tế, đấu tranh giai cấp sẽ mất đi hoặc mức độ xung đột sẽ dịu đi.

Đấu tranh giai cấp là quy luật chung của mọi xã hội có giai cấp. Nhưng trong quy luật ấy có những biểu hiện đặc thù trong từng xã hội cụ thể. Điều đó do kết cấu giai cấp của mỗi xã hội và do địa vị lịch sử của mỗi giai cấp cách mạng trong từng phương thức sản xuất quyết định.

Đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản là cuộc đấu trạnh khác về chất so với các cuộc đấu tranh trước đó trong lịch sử. Bởi mục tiêu là thay đổi về căn bản sở hữu tư nhân bằng sở hữu xã hội. Do vậy, đây là cuộc đấu tranh gay go và phức tạp nhất trong lịch sử. Cuộc đấu tranh này tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản. Nhưng, chuyên chính vô sản không phải là mục đích cuối cùng của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Nó chỉ là bước quá độ để tiến tới thủ tiêu mọi giai cấp, tiến tới xã hội không có giai cấp. Giai cấp vô sản cần phải sử dụng nền chuyên chính của mình để tiếp tục cuộc đấu tranh trong điều kiện mới. Như vậy, ngay từ khi giai cấp vô sản ra đời thì cuộc đấu tranh của nó với giai cấp tư sản và các giai cấp bóc lột khác cũng xuất hiện. Cuộc đấu tranh đó diễn ra thường xuyên, liên tục cả khi giai cấp vô sản chưa giành được chính quyền từ tay giai cấp thống trị cũ, lẫn khi đã thiết lập được chính quyền cách mạng của mình và sử dụng chính quyền ấy như một công cụ để xây dựng xã hội mới.

Trước khi giành được chính quyền, nội dung của đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản là đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chính trị. Sau khi giành được chính quyền, thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản, mục tiêu và hình thức đấu tranh giai cấp cũng thay đổi. V.I. Lênin viết: “Trong điều kiện chuyên chính vô sản, những hình thức đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản không thể giống như trước được”[2].

Ở Việt Nam, đấu tranh trong giai đoạn quá độ là tất yếu. Bởi lẽ, ở nước ta hiện nay còn có những lực lượng đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân, của cách mạng, của Đảng. Chúng ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong đó có cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái cách mạng, tiến bộ và cái bảo thủ, trì trệ... nên đấu tranh giai cấp là tất yếu.

Đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay, chủ yếu là đấu tranh để chiến thắng những thế lực cản trở việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hình thức đấu tranh giai cấp và xử lý quan hệ xã hội - giai cấp đa dạng, phong phú. Trong đó nổi bật lên những mối liên hệ sau: trong mối quan hệ giữa trấn áp và tổ chức xây dựng thì bạo lực trấn áp là cần thiết, tất yếu, song tổ chức xây dựng là chính, là quyết định; quan hệ giữa cưỡng chế với thuyết phục, giáo dục thì thuyết phục, giáo dục được đặt lên hàng đầu; quan hệ giữa đoàn kết và đấu tranh thì đoàn kết là chính, đấu tranh là cần thiết, song không phải để làm tăng thêm sự khác biệt mà là để giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc; quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội cần xem cả hai đều là mục tiêu chiến lược.

Về đấu tranh giai cấp, Ðảng ta khẳng định: “Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nước nghèo, kém phát triển, thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức, bất công; đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”.

Trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, đấu tranh giai cấp không những không mất đi mà còn diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng tư duy lý luận tốt, có khả năng phân tích, đánh giá tình hình nắm bắt quy luật vận động, củng cố lập trường giai cấp công nhân, có niềm tin khoa học, kiên quyết và sáng suốt đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Quan điểm về đấu tranh giai cấp trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin phản ánh đúng quy luật khách quan và vẫn giữ nguyên giá trị. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần nhận thức rõ tính chất gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp. Để bổ sung, phát triển một cách sáng tạo đúng đắn và khoa học quan điểm về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin, mỗi thế hệ kế tiếp nhau sẽ dùng phương pháp biện chứng duy vật để không ngừng phát triển nó lên một trình độ cao hơn, yêu cầu đặt ra là cần phải nghiên cứu cẩn thận, nghiêm túc những tác phẩm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin và quan điểm của Đảng ta, tránh rơi vào sai lầm khi xem thường, xóa nhòa đấu tranh giai cấp đi đến mơ hồ, mất cảnh giác, mắc vào âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực phản động trên thế giới đang tìm cách lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây chính là cách tốt nhất để tăng cường sức sống và sức hấp dẫn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên đầy biến động và năng động hiện nay.

                                                                            T.H.H - LGH



[1] V.I.Lênin. Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, t.7, tr.238 -239.

[2] V.I.Lênin. Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t.39, tr.298.

0 nhận xét: