Kỷ luật tự
giác, nghiêm minh; gương mẫu chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ,
chế độ quy định của quân đội là một trong những đặc trưng cơ bản của phẩm chất
Bộ đội Cụ Hồ được khái quát trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của
Quân ủy Trung ương (Nghị quyết 847). Củng cố nền tảng đạo đức, thúc đẩy nếp sống
văn minh Quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt
đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, bản chất kỷ luật
của Quân đội ta mang bản chất kỷ luật của Đảng và của giai cấp công nhân. Đó là
kỷ luật sắt, tự giác, nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kỷ luật của
ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”. Ngay trong buổi đầu thành lập,
Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã thực hiện tuyên thệ 10 lời thề
danh dự-chuẩn mực để quân nhân tự giác chấp hành, thể hiện lòng trung thành với
Tổ quốc, với Đảng và nhân dân.
Kỷ luật tự
giác, nghiêm minh là một phẩm chất cao đẹp trong phẩm chất nhân cách Bộ đội Cụ
Hồ, là truyền thống tốt đẹp được hình thành và phát triển cùng với sự ra đời,
xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Truyền thống
đó được thể hiện ở tính tự giác cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mỗi
quân nhân; trong chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước;
trong chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh
nào.
Thực tiễn hơn
77 năm qua cho thấy, chính nhờ sự đoàn kết, thống nhất, kỷ luật tự giác, nghiêm
minh đã tạo thành nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để Quân đội nhân dân Việt
Nam chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa. Kỷ luật tự giác, nghiêm minh góp phần làm cho quân đội giữ được trọn
vẹn niềm tin yêu của nhân dân, xứng đáng là trường học lớn, lực lượng mẫu mực
trong xã hội.
Tuy nhiên,
trong giai đoạn hiện nay, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thủ đoạn
“bạo loạn lật đổ”, các thế lực thù địch thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” chia rẽ nội bộ, gây mất ổn định từ bên trong; âm mưu tách mỗi cá
nhân quân nhân ra khỏi tập thể quân nhân, làm mất sức chiến đấu của quân nhân bằng
cách cổ vũ lối sống thực dụng, tự do vô kỷ luật, phi chính trị hóa... từ đó
hòng gây mất đoàn kết nội bộ, mất sức chiến đấu của quân đội. Mặt khác, hiện tượng
thiếu tự giác trong rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, thậm chí
vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của một số quân nhân xảy ra trong thời gian qua đã
làm ảnh hưởng tới uy tín của quân đội, hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Nghị
quyết 847 đã chỉ rõ: “Còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức chưa
sâu sắc, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chưa cao;
thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, sa vào chủ
nghĩa cá nhân, sống thực dụng, băn khoăn dao động trước diễn biến phức tạp của
tình hình, phát ngôn thiếu tính xây dựng, nể nang, né tránh, ngại va chạm, làm
việc cầm chừng, tính toán thiệt hơn, xa rời thực tiễn; trong đó có cả cán bộ
cao cấp, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm kỷ
luật, pháp luật, quy định về những điều đảng viên không được làm, gây thiệt hại
về tài sản của Nhà nước, quân đội, làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của
quân đội, phẩm chất và hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ”. Quá trình giáo dục, rèn
luyện Quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bộ đội không có kỷ luật,
đánh giặc nhất định thua” và “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính
sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy kỷ luật phải nghiêm minh”. Thấm nhuần lời
dạy sâu sắc của Người, trong sự nghiệp xây dựng quân đội hiện nay, xây dựng nếp
sống kỷ luật tự giác, nghiêm minh cho cán bộ, chiến sĩ là vấn đề hết sức quan
trọng. Để giữ vững và phát huy, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trước hết, cấp ủy,
chỉ huy các cấp cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bồi
dưỡng năng lực chấp hành kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ. Đây là việc làm thường
xuyên, liên tục, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng người và được thực hiện ở
mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, nhất là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và
chiến đấu; làm cho mọi quân nhân có nhận thức sâu sắc về đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội.
Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho mỗi quân nhân nâng cao nhận thức, quán
triệt thực hiện nghiêm 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân
dân; nắm chắc nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội và của từng đơn vị, hiểu rõ
chức trách, nhiệm vụ của mình, có ý thức chấp hành nhanh chóng, chính xác mọi mệnh
lệnh, chỉ thị của cấp trên, tuân thủ tuyệt đối pháp luật Nhà nước, điều lệnh,
điều lệ, chế độ của quân đội, quy định của đơn vị. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng
viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp cần phải đề cao trách nhiệm nêu gương
trong duy trì, chấp hành kỷ luật quân đội. Sự gương mẫu của người cán bộ, đảng
viên trước hết là sự mẫu mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương
pháp, tác phong lãnh đạo, chỉ huy. Phải mẫu mực chấp hành nghiêm pháp luật Nhà
nước, kỷ luật quân đội, các quy định, chế độ của đơn vị; luôn toàn tâm, toàn ý
vì lợi ích chung, vì nhiệm vụ của đơn vị. Người cán bộ, chỉ huy phải thật sự
gương mẫu đi đầu, có tác phong nói đi đôi với làm, kiên quyết khắc phục, sửa chữa
những sai lầm, khuyết điểm của bản thân. Sự gương mẫu của người cán bộ còn thể
hiện ở việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn sâu sát, bám nắm bộ đội,
tâm huyết với công việc, thật sự là người anh, người chị và người bạn thân thiết
của bộ đội; biết định hướng, hướng dẫn hành động cho cấp dưới.
Với mỗi quân
nhân phải không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện, phấn đấu trong chấp hành kỷ luật
ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi nhiệm vụ, điều kiện, hoàn cảnh; cần đặt ra kế
hoạch tự rèn luyện một cách toàn diện cả về nhận thức, thái độ, hành động, cả ý
chí, quyết tâm tu dưỡng, phấn đấu và phải được cụ thể hóa thành yêu cầu, chỉ
tiêu phấn đấu sát với cương vị, chức trách của mình; tập trung đi sâu vào nội
dung, biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong chấp hành kỷ luật và
đề ra phương hướng cụ thể phấn đấu trong thời gian tiếp theo. Một trong những
biện pháp quan trọng bảo đảm cho việc giữ nghiêm kỷ luật trong các đơn vị quân
đội hiện nay là xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh. Để thực hiện điều
này, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị
số 917/1999/CT-QP ngày 22-6-1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Xây dựng đơn vị
vững mạnh toàn diện”; Hướng dẫn số 1090/QH-KH ngày 29-4-2020 của Cục Quân huấn-Bộ
Tổng Tham mưu về “Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” cho
mọi đối tượng trong đơn vị. Có biện pháp quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của bộ
đội, nhất là ở những nhiệm vụ, lĩnh vực khó khăn, nhạy cảm, hoạt động phân tán,
công tác nhỏ lẻ; duy trì kỷ luật luôn gắn chặt với mọi hoạt động của đơn vị và
bộ đội. Bên cạnh đó, các đơn vị cần kết hợp chặt chẽ Cuộc vận động “Xây dựng
môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” với xây dựng
đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, xây dựng tổ chức đảng trong sạch,
vững mạnh tiêu biểu và các tổ chức vững mạnh để tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng
đơn vị. Duy trì thực hiện năm tiêu chuẩn đơn vị có môi trường văn hóa tốt, làm
cho mỗi quân nhân luôn có ý thức và thực hiện “sống theo pháp luật, hành động
theo điều lệnh, làm việc theo chức trách”. Đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện
kỷ luật, xây dựng chính quy, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo và
gương điển hình tiên tiến.
Cấp ủy, chỉ
huy các đơn vị phải quan tâm coi trọng xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp giữa
lãnh đạo với chỉ huy, quản lý, điều hành; cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến
sĩ; giữa tổ chức đảng với các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân nhằm xây
dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh, đoàn kết, phấn khởi trong đơn vị. Phải
quan tâm xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có lòng tự trọng, giữ gìn
danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, có thái độ đúng đắn với bản thân và các mối
quan hệ trong quân đội, quan hệ với nhân dân, xã hội và gia đình; xây dựng kỷ
cương, trách nhiệm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội trong tập thể quân nhân.
Đặc biệt, cần coi trọng tạo lập môi trường văn hóa dân chủ, cởi mở trong các mối
quan hệ; chống mọi biểu hiện, hành vi, thái độ quân phiệt, gia trưởng, xâm phạm
đến nhân cách của cán bộ, chiến sĩ.
Để xây dựng nếp
sống kỷ luật tự giác, nghiêm minh cho cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị cần tiếp tục
đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc
vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"
thời kỳ mới; tích cực đấu tranh ngăn ngừa những tác động tiêu cực của mặt trái
kinh tế thị trường, quá trình hội nhập đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của bộ
đội...
NVT-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét