CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

TƯ DUY MỚI CỦA ĐẢNG VỀ BẢO VỆ TỔ QUỐC THEO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 

Xuyên suốt chặng đường 35 năm đổi mới đất nước, đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc đã không ngừng được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội, kể từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986), đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định rõ hơn; đồng thời, bổ sung và phát triển nhiều nội dung quan trọng, trực tiếp hoàn thiện tư duy mới về bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tập trung ở những vấn đề cơ bản:

Một là, tiếp tục khẳng định rõ vị trí, vai trò trọng yếu, thường xuyên của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa quan điểm từ các kỳ Đại hội trước, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”

Hai là, mục tiêu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được bổ sung toàn diện hơn, cụ thể hơn và sâu sắc hơn. Kế thừa tư duy của Đảng về xác định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ các kỳ Đại hội trước và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đó là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, tư duy của Đảng về xác định nội hàm mục tiêu bảo vệ Tổ quốc tiếp tục khẳng định và đặt các phương diện tự nhiên - lịch sử với chính trị - văn hóa, xã hội và lợi ích quốc gia - dân tộc, môi trường hòa bình, ổn định… trong một chỉnh thể thống nhất biện chứng, không tách rời nhau; thực hiện nội dung này là cơ sở, điều kiện, tiền đề, kết quả để thực hiện nội dung khác và ngược lại. Tuy nhiên, trong tình hình mới, nhằm ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang nổi lên ngày càng gay gắt, nhất là nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và bảo đảm xã hội ổn định, Đại hội XIII đã coi trọng và nhấn mạnh vấn đề bảo vệ an ninh, an toàn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của đất nước và trong cuộc sống của người dân. Do đó, Đại hội XIII đã bổ sung, phát triển toàn diện và sâu sắc hơn nội hàm mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, gồm cả bảo vệ “an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh”.

Ba là, phương châm, phương thức bảo vệ Tổ quốc được bổ sung, phát triển hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, những khó khăn, thách thức trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển” . Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là luôn kiên định, giữ vững nguyên tắc chiến lược, không nhân nhượng, thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc trong bất cứ điều kiện nào, hoàn cảnh nào, với bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, về sách lược luôn linh hoạt, mềm dẻo, kiên trì giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế; có đối sách thích ứng với từng đối tượng, từng tình huống cụ thể trên tinh thần “thêm bạn, bớt thù”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.

Bốn là, lực lượng bảo vệ Tổ quốc được khẳng định toàn diện, phù hợp và với thực tiễn. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế”. Sự phát triển tư duy về lực lượng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trên không chỉ là sự kế thừa, phát triển truyền thống quý báu của dân tộc: luôn phát huy cao độ ý chí, lòng tự hào, tự tôn dân tộc tạo nên sức mạnh vô địch đánh đuổi ngoại xâm, mà còn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong bối cảnh có những diễn biến phức tạp mới; đồng thời, đó là sự cụ thể hóa quyết tâm chính trị mà Đại hội XIII của Đảng xác định là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”  để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Năm là, bổ sung, hoàn thiện hệ thống giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo hướng tăng tính chủ động và khả thi, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với sự thôn tính, xâm lăng của các thế lực ngoại bang lớn mạnh. Chính vì vậy, “lo giữ nước từ khi nước chưa nguy, trị nước từ khi chưa loạn” là tư tưởng lớn và là truyền thống quý báu của dân tộc. Kế thừa kinh nghiệm, truyền thống ấy và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, phát triển và nâng lên tầm cao mới thành kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tinh thần đó thể hiện tập trung trong hệ thống các chiến lược về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; luôn thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt, giữ trong ấm, ngoài êm, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy”. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm sâu sắc hơn bằng việc xác định chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố có thể gây đột biến, bất lợi; đồng thời, luôn chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống./.

NTK-H1

0 nhận xét: