Nghị quyết số
847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) về “phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ,
kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới" có một nội dung quan trọng được cán bộ, chiến
sĩ đặc biệt quan tâm, thể hiện sự tâm đắc, đó chính là việc khái quát, chỉ rõ
các đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện hiện nay và
cách nhận diện, phấn đấu đạt được các thuộc tính của đặc trưng đó.
Bước phát triển
về tư duy
Quan điểm về Bộ
đội Cụ Hồ và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không phải đến bây giờ QUTƯ, Bộ Quốc phòng,
Tổng cục Chính trị... mới đề cập đến, mà ngay từ rất sớm, trong quân đội đã có
một hệ thống lý luận khá cơ bản, toàn diện về vấn đề này, bao gồm: Khái niệm,
quan điểm, nội dung, bản chất, truyền thống, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa Bộ đội
Cụ Hồ.
Lần này, trên
cơ sở kế thừa, phát triển và bằng tư duy mới, cách tiếp cận mới, QUTƯ đã khái
quát 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đây được xem là bước phát
triển trong tổng kết lý luận và phát triển lý luận. Bởi lẽ, khi nghiên cứu Nghị
quyết 847, không ít người sẽ đặt câu hỏi: Vì sao QUTƯ đưa ra khái niệm đặc
trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ mà lại không tiếp cận theo hệ giá trị hay các chuẩn
mực Bộ đội Cụ Hồ như đã đề cập lâu nay? Trả lời câu hỏi ấy, dưới góc độ tư duy
mở, chúng tôi cho rằng, việc tiếp cận, đưa ra các đặc trưng cơ bản phẩm chất Bộ
đội Cụ Hồ là do một số lý do sau đây:
Trước hết, cách
tiếp cận này nhằm chủ ý đưa ra các thuộc tính có tính chất làm căn cứ (nhưng
không cứng nhắc, áp đặt) để các cấp từng bước quán triệt, triển khai, cụ thể
hóa một cách linh hoạt, sáng tạo, sát với đặc thù và thực tiễn ở mỗi cấp. Đây
chính là cơ sở giúp các cấp dễ vận dụng sáng tạo, hiệu quả đối với từng đối tượng,
lực lượng, từng cá nhân trên cương vị, chức trách công tác khác nhau.
Rõ ràng, khái
niệm “đặc trưng” nhằm để chỉ các thuộc tính riêng lẻ mà chúng ta có thể xác định
và đo đạc được khi quan sát một hiện tượng, sự vật nào đó. Như vậy, tiếp cận với
khái niệm đặc trưng (chứ không phải là hệ giá trị, các chuẩn mực) là nhằm hướng
vào việc so sánh, đối chiếu, giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ các thuộc tính để nhận
biết, tập trung xây dựng, phát triển phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện mới.
Hay nói cách khác, các đặc trưng cơ bản phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ sẽ giúp chủ thể
phân biệt rõ những điểm khác nhau (hoặc khác biệt) với đặc trưng của các bộ phận,
giai tầng lực lượng xã hội khác. Đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ sẽ có thuộc
tính riêng biệt hoặc riêng có, không thể pha lẫn với đặc trưng của các đối tượng
xã hội khác; ví như đặc trưng phẩm chất của công chức, viên chức nhà nước, đặc
trưng phẩm chất của lực lượng Công an nhân dân, của công nhân, nông dân, tri thức...
Trên cơ sở nắm chắc, hiểu sâu về 5 đặc trưng cơ bản thì sẽ rất thuận lợi cho việc
tạo lập mục tiêu, xác định phương hướng, xây dựng kế hoạch, chương trình, với lộ
trình, bước đi, tiến độ phù hợp... để sớm đạt được các thuộc tính trong từng đặc
trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Hơn thế, việc
đưa ra 5 đặc trưng cho thấy tính chất mở trong lý luận và chủ trương lãnh đạo.
Có nghĩa, đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không phải là cái bất biến, mà nó
luôn vận động phát triển qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau. Có thể
các giá trị Bộ đội Cụ Hồ đã có là khá vững chắc, nhưng qua năm tháng vẫn có sự
bổ sung, phát triển, hoàn thiện và nhận diện nó qua các đặc trưng (ở mỗi thời
điểm lịch sử khác nhau sẽ có sự khác nhau). Nhờ đó mà các cấp ủy, tổ chức, cơ
quan, đơn vị sẽ thiết lập, hoàn thiện cơ chế, tạo môi trường và điều kiện thuận
lợi nhất giúp các giá trị Bộ đội Cụ Hồ được gìn giữ, bổ sung, phát triển; hoặc
nảy nở, hình thành nên những phẩm chất mới của Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện xã
hội hiện nay.
Tiếp cận như vậy
để thấy, hệ thống các quan niệm, quan điểm trong Nghị quyết 847 là đúng đắn,
sáng tạo, có tính phát triển trên cơ sở bám sát diễn biến mau lẹ, sinh động của
tình hình; giúp cho lý luận thể hiện được tính “đi trước đón đầu”, dẫn dắt, định
hướng thực tiễn.
Nghiên cứu 5 đặc
trưng cơ bản phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong Nghị quyết 847 cho thấy tính khái
quát lý luận rất cao về nội dung đề cập. Một mặt, các đặc trưng thể hiện rõ những
thuộc tính vốn đã có trong phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; mặt khác lại khái quát, đúc
rút nên những đặc trưng mới (thậm chí đang hình thành, củng cố), có tính thời sự
và cấp thiết, ví như đặc trưng về “tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám
nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, “kiên quyết đấu tranh với
các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”... Đây là bước cập nhật
hóa, cụ thể hóa chủ trương, giải pháp của Trung ương; cũng là vấn đề được đúc
rút từ thực tiễn; minh chứng cho yêu cầu ngày càng cao về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Nói cách khác, việc gìn giữ, phát huy các phẩm chất đã có từ trước phải gắn chặt
với nỗ lực hình thành, hoàn thiện, phát triển những phẩm chất đặc trưng mới của
Bộ đội Cụ Hồ hiện nay và trong tương lai.
Một điểm khá ấn
tượng trong Nghị quyết 847 là việc sử dụng các khái niệm, câu từ, văn phong dù
có tính hệ thống, tính khái quát cao nhưng rất dễ hiểu, dung dị, gần gũi để mô
tả các thuộc tính của 5 đặc trưng. Hơn thế, dù đề cập một cách hệ thống, đầy đủ,
khái quát thuộc tính của 5 đặc trưng nhưng Nghị quyết 847 chỉ thể hiện trong
343 từ, cho thấy sự ngắn gọn, súc tích; minh chứng cho kết quả nghiên cứu
nghiêm túc, công phu, sâu sắc; hướng đến tinh thần: Ban hành nghị quyết nhằm mục
tiêu cao nhất là để quán triệt, thực hiện nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất
trên thực tế!
Quán triệt Nghị
quyết 847, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa
thành các mục tiêu, chỉ tiêu, các thuộc tính trong đặc trưng Bộ đội Cụ Hồ sát với
từng đối tượng, loại hình và đặc thù cơ quan, đơn vị. Ví như đặc trưng phẩm chất
của cán bộ chủ trì, chủ chốt; đặc trưng phẩm chất cán bộ cơ quan chiến lược;
các đặc trưng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức, hạ sĩ
quan chiến sĩ; hoặc các nhóm đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ công tác ở từng
lĩnh vực, quân, binh chủng khác nhau...
Thể hiện rõ
tinh thần đó, ngay trong nghị quyết, QUTƯ nêu lên các quan điểm và giải pháp
lãnh đạo cụ thể, yêu cầu các cấp tránh sự áp đặt, vận dụng máy móc. Có nghĩa,
các cấp vừa xác định các thuộc tính đặc trưng cần gìn giữ, phát huy; vừa tập
trung nuôi dưỡng những giá trị Bộ đội Cụ Hồ tốt đẹp mới được hình thành; khai
phá các giá trị tiềm năng, giúp “đâm chồi nảy lộc”, kết nên các giá trị đặc
trưng mới trong điều kiện xã hội hiện đại, tiếp cận và thích ứng với cuộc Cách
mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, hoàn thành các nhiệm
vụ, nghĩa vụ quốc tế và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cũng bởi tính
chất đó, quá trình triển khai nghị quyết, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần chú
trọng định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 847 nói chung, xây dựng,
hoàn thiện các đặc trưng Bộ đội Cụ Hồ nói riêng. Cần chú trọng phát hiện, nuôi
dưỡng các thuộc tính mới trong mỗi đặc trưng; tập trung lãnh đạo xây dựng và
nhân rộng bằng những giải pháp, mô hình mới, cách làm sáng tạo; kết hợp với sớm
phát hiện, nhận diện những dấu hiệu thuộc tính tiêu cực, các biểu hiện lệch chuẩn
trong xu hướng phát triển nhân cách quân nhân... để kịp thời ngăn chặn, xử lý
triệt để, nhất là 10 dấu hiệu của chủ nghĩa cá nhân cũng được đề cập trong Nghị
quyết 847 lần này./.
NXT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét