CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

MAI CHÍ THỌ - NHÀ LÃNH ĐẠO QUYẾT ĐOÁN, GIÀU LÒNG NHÂN ÁI

 

Đồng chí Mai Chí Thọ - Quyền Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cùng các chiến sĩ Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định đã tham gia bảo vệ đồng chí từ khi ở căn cứ về lãnh đạo quần chúng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975). (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Cán bộ Thành Đoàn các thời kỳ thường gọi đồng chí Mai Chí Thọ là chú Năm Xuân. Với tính cách thẳng thắn, bộc trực, cái gì không được là nói liền nên nhiều cán bộ trẻ cũng ngán ông nhưng khi cần cũng không ngại gặp ông, bởi cái gì thấy được, ông nói được, trong thẩm quyền ông có thể giải quyết ngay.

Không ít lần, vào những dịp lễ, tết, cán bộ Đoàn, thanh niên xung phong kéo đến nhà, được ông cho uống rượu cần, ăn những món dân dã, hay món chè trôi nước do thím Năm và các anh chị em ở nhà nấu rồi bày ra ngay tại sân nhà, trên đường Phạm Ngọc Thạch. Mọi người đã cùng nhau sinh hoạt, hát hò vui vẻ. Cũng giống như chú Sáu Dân, lúc ở bên sông Sài Gòn, thỉnh thoảng kêu cán bộ Đoàn đến nhà xem phim, ăn cơm… Đó là không gian, là thời khắc mà cán bộ trẻ thấy nhà lãnh đạo gần gũi, động viên, tiếp sức. Đó là hình ảnh những nhà lãnh đạo những năm sau giải phóng ở một thành phố còn nhiều những công việc bề bộn, ngổn ngang… Giờ thì nhiều người đã ra đi nhưng kỷ niệm thì vẫn còn in đậm trong ký ức những người còn lại.

Chú Năm Xuân tên thật là Phan Đình Đống. Năm Xuân là tên bí danh, Xuân chính là tên con gái út, Năm là thứ của vợ. Còn tên Mai Chí Thọ là do đồng chí Phạm Hùng đặt cho với nghĩa là sống lâu. Chú Năm Xuân thuộc thế hệ những người lãnh đạo cựu trào của thành phố, gắn bó với Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Ông tham gia cách mạng từ năm 1936, trong phong trào học sinh, sinh viên ở Huế, ở Hà Nội và chính thức tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ, Thanh niên Phản đế ở Nam Định quê ông. Năm 1939 vào Đảng thì năm 1940 ông bị bắt, bị giam cầm ở Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La, Khám lớn Sài Gòn và bị đày ra Côn Đảo suốt 5 năm liền. Sau năm 1945 ông làm Bí thư Thanh niên Cứu quốc, Trưởng ty Công an, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Phó Giám đốc Công an Nam Bộ, Trưởng ban địch tình Xứ ủy Nam bộ…

Từ năm 1960 đến năm 1965 ông là Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ. Trận đánh Tua-Hai, căn cứ thuộc Sư đoàn 21 ngụy, đóng ở Trảng Sụp, cách thị xã Tây Ninh 7 km gây tiếng vang sau Nghị quyết 15 của TW, có ý nghĩa lớn, như trận đánh mở màn cho đồng khởi ở miền Đông Nam bộ. Từ năm 1965 cho tới 1975, ông là Ủy viên Thường vụ, Phó Bí thư, rồi Bí thư Thành ủy, Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Sau giải phóng, ông làm công tác quân quản, Giám đốc Công an Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố, Bí thư Thành ủy. Đại hội VI của Đảng, ông được bầu vào Bộ Chính trị và sau đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Ông gắn với Nam bộ, với Thành phố, với ngành công an trong kháng chiến và gắn với thời kỳ đổi mới, có nhiều đóng góp trong phát triển lực lượng công an. Suốt những năm tháng kháng chiến, ông không tập kết ra Bắc, xin ở lại miền Nam vì cho rằng mình thông thạo địa lý, đã từng lăn lộn, từng bị tù đày và đồng cam cộng khổ với người dân nơi đây. Có lần ông nói, nửa thế kỷ gắn bó với Nam bộ, ông may mắn được sống và chiến đấu ở cả bốn chiến khu: miền Tây, miền Trung, miền Đông Nam bộ và khu Sài Gòn - Gia Định. Ông rất thích những nơi này, thích nhất vẫn là con người Nam bộ cởi mở, bộc trực, hào hiệp, anh dũng, xung kích và sáng tạo.

Ông đã xây dựng được mạng lưới tình báo, quân báo, lựa chọn những người tin cậy có thân thế, có mối quan hệ trong hàng ngũ đối phương, trong các tôn giáo, đảng phái, cả việc đưa cán bộ tình báo thâm nhập vào làn sóng di cư sau hiệp dịnh Genève theo Pháp vào Nam… để chiếm lĩnh các vị trí thuận lợi và dễ bề hoạt động. Lúc đầu được phân công hoạt động trong ngành công an, ông nghĩ như mình bị “ép duyên” nhưng càng làm càng thấy gắn bó chặt chẽ bởi tính nhân đạo, nhân văn, luôn đấu tranh ngăn chặn tội ác, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân và nền độc lập của Tổ quốc. Ông là vị Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên mang quân hàm Đại tướng. Với nhiều cương vị lãnh đạo nhưng có sự gắn bó và để lại dấu ấn là chiến sĩ công an nhân dân. Ông đã làm công việc này một cách bài bản và thận trọng để không làm hàm oan ai và kiên quyết đấu tranh đến cùng với các loại tội phạm. Thời ông làm Bộ trưởng Công an, đã có những chính sách cởi mở như bỏ các trạm canh gác dọc đường, ngăn sông cấm chợ…

11 năm tham gia lãnh đạo Thành phố, có lúc là Chủ tịch UBND TP, phải đương đầu với những tình huống mà có lẽ không giống như các thị trưởng nào trên thế giới. Có lúc phải chạy gạo, có lúc lo xuất khẩu hàng hóa theo con đường phao số O để có ngoại tệ nhập nguyên liệu về cho các nhà máy sản xuất… Mặc dù bận rộn, nhưng cách làm việc của những nhà lãnh đạo Thành phố bấy giờ, trong đó có ông là dành thời gian làm việc với cơ sở, đi thực tế, quan sát, gặp gỡ, lắng nghe và thuyết phục. Bận đến mấy, ông vẫn có những cuộc tiếp xúc cá nhân với giới trí thức, văn nghệ sĩ, tư sản, chức sắc tôn giáo, nói chuyện với người lính, người dân, tù nhân, cả những người đối lập quan điểm chính trị…, không để cho bộ máy với nếp vận hành quan liêu nó nhấn chìm mình. Ông đã có những tháo gỡ kịp thời những vụ việc bị bắt giam không vì tham lam cá nhân mà chính là do nhiều hoạt động mới quá chưa có cơ chế.

Ông là vị tướng mạnh mẽ, quyết đoán và giàu lòng nhân ái, luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ông cho rằng, bà nội và mẹ đã ảnh hưởng sâu đậm đến tính cách, lòng nhân ái, tình cảm thơ ngây của ông từ nhỏ. Từ khi đi hoạt động, rất hiếm hoi có được những lần về thăm mẹ. Có thời kỳ, cả ba anh em bị bắt, mẹ là người chịu hậu quả nặng nề, thảm khốc nhất. Năm 1955, sau 15 năm xa nhà bị bắt, khi ra Bắc làm việc, người anh thứ bảy là Đinh Đức Thiện đưa về thăm mẹ, bấy giờ mẹ nằm trong mùng mà hai dòng nước mắt chảy dài, bà cho rằng được về là may mắn rồi. Sau đó, ông lại về Nam tiếp tục chiến đấu và cho đến khi mẹ mất, không còn có dịp nào gặp lại. Mẹ ông là người mẹ đảm đang, từng chăm sóc, nuôi chứa cán bộ cách mạng như đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh… Bà có nhiều năm chịu đựng đời sống gian khổ ở chiến khu Việt Bắc. Người anh ruột của ông - ông Lê Đức Thọ nổi tiếng chặt chẽ, nghiêm khắc, cứng rắn đến mức người ta gọi là “ông Sáu búa” lúc nhỏ hay dặn em khi đi học: phải đi trên lề đường, không ăn quả xanh, không uống nước lã… Những năm sau này, khi làm việc chung cũng có lúc tranh luận làm sáng tỏ vấn đề.

Ông có người vợ hiền lành và bốn người con. Vợ ông là người ở vùng lúa Kim Sơn, Mỹ Tho, một người giữ được nếp xưa, hết mực chăm lo cho chồng con, dù trước đó cũng được học hành. Là đảng viên, từng hoạt động nằm hầm, bám trụ trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Về Thành phố, ông bà và các con cháu ở quây quần cùng nhau trong một ngôi nhà, bởi ông rất thích đời sống gia đình với không khí an vui, đầm ấm.

Về hưu, ông là cố vấn của Ban Xóa đói giảm nghèo, cùng đúc kết kinh nghiệm, mô hình tự quản thúc đẩy thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo. Riêng công tác này, ông được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Ông là người ủng hộ cái mới, đỡ đầu cho những mô hình mới, thuyết phục trung ương có cơ chế, đường lối đổi mới. Trên tất cả là vì dân, vì lý tưởng cao đẹp mà ông suốt đời phấn đấu. Cho đến lúc cuối đời, ông đã ghi lại những mẩu chuyện đời tôi, chuyện đời của một con người có hành trình qua các địa ngục trần gian, qua hai cuộc kháng chiến hào hùng, qua những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Và trong niềm sâu thẳm của trái tim, ông muốn nói lên rằng, đồng bào, đồng chí ơi, tạ ơn người mãi mãi…

ĐVQ-BS

0 nhận xét: