CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC CHO HỌC VIÊN CÁC TRƯỜNG QUÂN ĐỘI Ý THỨC ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

 

Hiện nay lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội, các thế lực thù địch ra sức ngụy tạo và lan truyền những luận điệu xuyên tạc, sai trái trên không gian mạng, với mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta, trọng tâm là hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, công tác đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng học viên của các trường trong Quân đội. 

Mặc dù có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, công tác giáo dục ý thức đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội cho học viên các trường quân đội vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập: Một số trường đại học trong quân đội chưa coi trọng đúng mức công tác giáo dục ý thức đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội cho học viên, nên thực hiện không thường xuyên, còn mang tính hình thức, hiệu quả hạn chế; phương pháp, nội dung, phương tiện giáo dục còn chậm đổi mới, đơn điệu, thiếu tính hấp dẫn, nặng về lý thuyết, chưa coi trọng đúng mức huấn luyện kỹ năng, cách thức xử lý tình huống; việc lồng ghép nội dung giáo dục ý thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào các môn lý luận còn thiếu chiều sâu; nhận thức và ý thức học tập chính trị của một số học viên còn chưa cao… Mặt khác học viên cũng chịu đa tác động từ môi trường bên ngoài với nhiều vấn đề phức tạp…Do đó, công tác giáo dục tư tưởng chính trị đối với học viên các trường quân đội càng đặt ra cấp thiết.

Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ý thức đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội đến học viên các trường quân đội, cần tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đảng ủy, ban giám hiệu, lãnh đạo các trường trong công tác giáo dục ý thức đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội cho học viên. Giáo dục ý thức đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội cho học viên có trách nhiệm chính của đảng ủy, ban giám hiệu các trường trong quân đội. Căn cứ vào những yêu cầu thực tiễn, đảng ủy, ban giám hiệu các trường đại học trong quân đội xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình hành động hoặc phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở đề ra các chủ trương, biện pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó lấy học viên là lực lượng quan trọng. Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đến các tổ chức đảng, đoàn thể và học viên. Chỉ đạo tổ chức việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đề ra cách thức tổ chức phù hợp để phát huy vai trò của học viên; huy động cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có hiệu quả. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời phát hiện những cách làm hay, những mô hình tiêu biểu, những điển hình để tuyên dương, nhân rộng, cũng như điều chỉnh, uốn nắn những cá nhân, tổ chức, đoàn thể chưa thực hiện tốt nhiệm vụ; kịp thời giúp đỡ các học viên có những dấu hiệu bàng quan chính trị, phai nhạt lý tưởng, hay bị các thế lực phản động lôi kéo đi ngược lại quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng việc tổng kết, đánh giá các chương trình giáo dục, tránh tình trạng phó mặc cho các đơn vị chức năng, chuyên môn.

Thứ hai, phát huy vai trò của tổ chức, các lực lượng trong giáo dục ý thức đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội cho học viên. Xuất phát từ đặc điểm của lứa tuổi học viên, các phong trào, hoạt động chính trị cần phải được tổ chức khoa học, với phương pháp phù hợp, tăng cường tính hấp dẫn của các hoạt động do đoàn, hội tổ chức để lôi cuốn học viên tham gia, cần lồng ghép, mềm hóa, đa dạng hóa cách thức thể hiện các nội dung giáo dục ý thức đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội cho học viên, tránh các phong trào mang tính hình thức, đơn điệu, khô cứng.

Thứ ba, phát huy vai trò gương mẫu của các chủ thể giáo dục và vai trò của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cán bộ quản lý. Các chủ thể giáo dục, nhất là các giảng viên phải nêu gương trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nêu gương gắn với các hoạt động chính trị của chủ thể giáo dục đem lại tác động to lớn đến học viên, thúc đẩy quá trình học tập, rèn luyện và ý thức tự giác trong nhận diện, đấu tranh với các biểu hiện, lời nói, hành vi, thông tin xấu, độc. Kiên quyết phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cấp ủy các cấp thường xuyên rà soát, nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và hiệu quả công tác thấp.

Coi trọng đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy các bộ môn lý luận, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả việc giảng dạy lý luận, không ngừng tìm tòi, đổi mới nội dung, phương thức, hình thức truyền đạt kiến thức, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9-2-2018, của Ban Bí thư Trung ương khóa XII, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Chú trọng tích hợp nội dung giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức pháp luật, thẩm mỹ, văn hóa cho học viên trong giảng dạy để mềm hóa, sinh động hóa và nâng cao hiệu quả quá trình giảng dạy lý luận. Thường xuyên cập nhật các quan điểm mới của Đảng, tình hình chính trị - xã hội trong và ngoài nước, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu, phương tiện chống phá mới của các thế lực thù địch, các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi, phản bác hiệu quả của ta… vào nội dung giảng dạy. 

Thứ tư, coi trọng việc giáo dục ý thức chính trị gắn liền với huấn luyện các kỹ năng thực hành và ứng xử trên không gian mạng cho học viên. Ý thức chính trị của học viên không phải là cái có sẵn, mà được hình thành, phát triển thông qua quá trình học tập và hoạt động xã hội, từng bước hình thành tri thức, niềm tin, lý tưởng chính trị, từ đó có đủ tri thức, kiến thức để nhận diện được những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động, vốn được các thế lực thù địch che đậy hết sức tinh vi, thật - giả lẫn lộn. Cùng với việc được trang bị tri thức chính trị, rèn luyện bản lĩnh chính trị, cần huấn luyện và trang bị các “kỹ năng mềm” trong ứng xử, thực hành trên môi trường mạng, để tùy từng tình huống, vấn đề cụ thể mà học viên biết cách xử lý phù hợp, tránh vì vô tình hay cố ý mà phát tán hay tiếp tay cho những thông tin, hành vi xấu./.

NTK-H1

 

0 nhận xét: