CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ TRÊN LĨNH VỰC DÂN TỘC, TÔN GIÁO, DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN

 

Thời gian qua, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, xuyên tạc những thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; vu cáo “chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “đàn áp tôn giáo”, “phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số”, “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận”, “bắt giam và xét xử không theo chuẩn mực quốc tế” đối với những người mà họ gọi là “hiệp sĩ đi đầu” “trong sự nghiệp đấu tranh” bảo vệ “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”.

Ngoài ra, các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước còn ra sức câu kết, lợi dụng một số chức sắc, người có uy tín trong các cộng đồng tôn giáo, dân tộc, văn nghệ sỹ,... để tuyên truyền, tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức đối lập chống chính quyền nhân dân; kích động quần chúng, tổ chức các cuộc biểu tình trái pháp luật, với mưu đồ gây rối trật tự an toàn xã hội, gây bạo loạn chính trị.

Trước những hoạt động chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch, cần chú trọng đến những giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cần linh hoạt các phương thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với đặc điểm về ngôn ngữ, phong tục, tập quán và điều kiện tự nhiên của địa phương, của cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao “sức đề kháng” của nhân dân trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Hai là, tăng cường củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền các cấp, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo vững mạnh về mọi mặt; thực hiện tốt phong cách dân vận trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, từ đó kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vụ việc phát sinh có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ngay từ cơ sở; tránh để các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo, kích động nhân dân.

Ba là, quan tâm đầu tư, hỗ trợ thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền với những cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và từng vùng dân tộc. Kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bố trí hợp lý cơ cấu cán bộ dân tộc thiểu số đối với các chức danh chủ chốt ở cơ sở, phát huy vai trò của bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong việc tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân; phân công cán bộ hiểu biết phong tục tập quán của đồng bào về công tác ở vùng dân tộc dân tộc thiểu số để tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân.

Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Qua tổng kết thực tiễn, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp với tình hình. Tăng cường phối hợp giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, toàn xã hội trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tạo thành thế trận rộng khắp, có tính hiệp đồng tác chiến trên quy mô lớn.

Năm là, kết hợp sử dụng tổng hợp các phương thức đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, mà cốt lõi là công tác vận động quần chúng, nhằm vô hiệu hóa sự lợi dụng của các thế lực thù địch, phản động; chủ động ngăn ngừa, lấy giáo dục, thuyết phục, vận động là chính. Khi giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh, các điểm nóng liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, phải xử lý kiên quyết, mềm dẻo, linh hoạt, thận trọng, dứt khoát, đúng pháp luật, không để lan rộng, không để hình thành các tổ chức chính trị độc lập, không để các thế lực thù địch mượn cớ can thiệp.

Sáu là, chủ động, tích cực lồng ghép các biện pháp và nội dung vận động đấu tranh ngoại giao trên các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đặc biệt là trong lộ trình thúc đẩy quan hệ ổn định, lâu dài với các nước; tăng cường thông tin, tuyên truyền đối ngoại đề cao chính sách, luật pháp và thành tựu của Việt Nam, vừa kiên quyết đấu tranh, vừa bày tỏ thiện chí đối thoại và hợp tác với các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của mỗi nước. Cần tiếp tục thể chế hóa các quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, tăng cường tham gia các hoạt động quốc tế, thể hiện vai trò Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc và các công ước quốc tế.

Những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền là không thể xem nhẹ, vì nó liên quan trực tiếp đến tâm lý, tư tưởng của nhân dân, đến uy tín  của Đảng, Nhà nước. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tỉnh táo nhận diện và có những cách thức đấu tranh phù hợp với chức trách, nhiệm vụ, khả năng của mình, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN mà chúng ta đang xây dựng./.

NTK-H1

 

0 nhận xét: