Có thể khẳng định, dù ở thời đại nào, nghề dạy
học luôn được coi là nghề cao quý nhất. Vị trí, vai trò của người thầy luôn được
xã hội tôn vinh với sự kính trọng và biết ơn: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng,
việc dạy, việc học. Cách mạng Tháng Tám thành công, Người đã gửi thư cho các em
học sinh trong cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa. Dành sự quan tâm rất lớn đến nghề dạy học, “Vì lợi ích mười năm thì
phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Theo Người, thầy
luôn phải là một chuẩn mực đạo đức, nhân cách để xã hội noi theo. Người thầy giữ
vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Tháng 10/1964, tại Trường Đại học
Sư phạm Hà Nội trong bài phát biểu, Người nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo
những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng
sản. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng
chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ
vang”.
Trong sự nghiệp giáo dục, người thầy có nhiệm
vụ lớn lao, đào tạo ra những thế hệ tương lai cho đất nước; những công dân tốt,
những cán bộ cho nước nhà; những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng,
văn hóa… Người thầy có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức
chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc; bồi dưỡng
cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển
của xã hội. Thầy là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, sản phẩm của dạy
học là tương lai của đất nước.
Với tầm nhìn
chiến lược của một Lãnh tụ, một nhà chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất
cao vai trò người thầy trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Theo Chủ tịch Hồ
Chí Minh, người thầy, người trí thức có sứ mệnh quan trọng là hun đúc nguyên
khí quốc gia, đào tạo lớp người tài - đức kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao phó nhiệm vụ quan trọng, khó khăn cho đội ngũ nhà
giáo. Đây là nhiệm vụ rất vất vả nhưng rất tự hào của những ai đã, đang và sẽ
theo đuổi sự nghiệp trồng người.
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người
thầy phải là những người lấy việc phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc làm mục
tiêu phấn đấu suốt đời; người thầy phải có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, phát
huy dân chủ trong nhà trường. Đặc biệt hơn, phẩm chất đạo đức và năng lực của
người thầy quyết định chất lượng đào tạo con người; người thầy phải giữ gìn về
nhân cách lối sống, thương yêu con người và phải có phẩm chất cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư. Đây là những phẩm chất không thể thiếu được đối với người
làm thầy, dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt. Vì vậy,
không chỉ có quyết tâm, sự hy sinh mà phải có kế hoạch, phương pháp và sự sáng
tạo mới hoàn thành được nhiệm vụ. Người thầy giáo phải là tấm gương sáng về rèn
luyện đạo đức nhân cách, đánh giá kết quả của người học phải khách quan, công bằng,
không thiên vị.
Thầy là tấm gương cho nhân dân, cho thế hệ trẻ
của đất nước noi theo. Người thầy có trách nhiệm đi tiên phong trong việc tự học,
tự nghiên cứu nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhà giáo phải gương mẫu thực hiện tốt các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong mọi công việc của cơ
quan, đơn vị. Bản thân mỗi thầy, cô giáo phải xây dựng cho mình một phong cách
sống khiêm tốn, giản dị, ngăn nắp, yêu lao động, ứng xử văn hóa, không ham danh
lợi, chức quyền.
Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phẩm chất đáng
quý mà nhà giáo nào cũng cần phải có đó là sự tâm huyết với nghề và tình thương
yêu bao la đối với học trò. Yêu nghề sẽ dẫn đến yêu trò và ngược lại. Trong môi
trường sư phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ giá trị của sự đoàn kết. Đoàn
kết sẽ tạo ra bầu không khí vui vẻ thoải mái, kích thích sự khám phá, sáng tạo
trong giảng dạy cũng như nghiên cứu; đồng thời sẽ tạo ra môi trường thi đua lành
mạnh, phát huy được khả năng của cá nhân và sức mạnh của tập thể, cống hiến cho
sự nghiệp giáo dục.
Cuộc vận động lớn của Đảng về “Học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là dịp để mỗi nhà giáo thấm nhuần hơn tư tưởng
đạo đức của Người. Cần phải quán triệt hơn nữa, vận dụng triệt để hơn nữa tư tưởng
Hồ Chí Minh về đạo đức của nhà giáo trong giáo dục. Trước những ảnh hưởng tiêu
cực của nền kinh tế thị trường, người thầy lại càng phải biết giữ mình, tránh
xa mọi cám dỗ tầm thường, giữ cho tâm hồn trong sáng, mọi hành vi được nâng lên
thành văn hóa trong ứng xử. Giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ là một chiến lược
quan trọng của quốc gia mà trọng trách lớn được đặt trên vai những nhà giáo. Vì
vậy, thầy cô giáo chính là tấm gương để học sinh noi theo. Khi tấm gương ấy thực
sự trong sáng, thì những tiêu cực, hạn chế sẽ sớm được đẩy lùi.
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, vai trò của
người thầy ngày càng được nâng lên. Thầy có trách nhiệm không chỉ dạy chữ mà phải
biết quan tâm, chăm sóc tìm hiểu người học bằng cả trái tim và lòng bao dung.
Biết đánh thức tiềm năng trong mỗi người học, khơi dậy và phát triển cái nội lực
của người học. Kiến thức rộng bao la, người học không thể nào tự nắm bắt được,
nên vai trò của người thầy càng thể hiện rõ hơn - là người hướng dẫn, chỉ đường
đưa người học đến gần hơn với bến bờ tri thức.
Đất nước ta trong quá trình mở cửa hội nhập quốc
tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa. Việt Nam trên đà phát triển đòi hỏi cần phải có một đội ngũ trí thức
hùng hậu, có kiến thức, trình độ chuyên môn, khoa học – kỹ thuật, đạo đức nghề
nghiệp. Đây là đội ngũ có trọng trách phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc
phòng – an ninh và xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa; đưa đất nước sánh bước
cùng các nước trong khu vực và trên thế giới. Để thực hiện thành công vấn đề
trên thì đòi hỏi phải đào tạo cho được những con người có “đức” có “tài” đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đào tạo được đội ngũ trí thức
thì cần phải có đội ngũ thầy, cô giáo có năng lực chuyên môn và tâm huyết với
nghề xứng đáng là những “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân”, trong sự nghiệp
trồng người.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban
Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,
đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nhấn mạnh: “Tạo chuyển biến
căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt
hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”. Để đạt
được những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm của cả
hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó đội ngũ thầy giáo, cô giáo đóng một
vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của một nhà
giáo cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, vì nền giáo dục nước nhà và là tấm
gương sáng ngời về tinh thần tự học. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng đội ngũ những
người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa
“chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng mong muốn. Điều này không những khẳng
định tri thức, trình độ phát triển giáo dục của nước nhà mà còn góp phần quan
trọng trong công cuộc hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước.
ĐTT-KBS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét