Dưới góc độ quản lý nhà nước,
chúng ta có thể khẳng định: bất cứ một tổ chức tôn giáo nào muốn tồn tại, phát
triển ở một quốc gia thì phải được nhà nước cầm quyền thừa nhận dựa trên những
tiêu chí phù hợp với lịch sử, văn hóa, đạo đức, truyền thống và điều kiện kinh
tế, chính trị-xã hội của quốc gia đó. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, quan điểm,
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là các tôn giáo, tín ngưỡng hợp
pháp được Nhà nước tôn trọng, bảo hộ bằng pháp luật. Hiện nay nước ta chưa có
văn bản riêng và chính thức thể hiện quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật
của Đảng và Nhà nước ta về HTTGM, nhưng qua một số văn bản liên quan thì nội
dung này bước đầu được thể hiện như sau:
Thông báo Kết luận số 145-TB/TW,
ngày 15/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác tôn giáo trong
tình hình mới đã viết: 1) Nhà nước xem xét cho phép giáo hội hoặc hệ phái tôn
giáo hoạt động với điều kiện: tổ chức tôn giáo ấy có đường hướng hành đạo gắn
bó với dân tộc; có tôn chỉ mục đích và điều lệ phù hợp với pháp luật, có tổ chức
bộ máy hành đạo và nhân sự chủ chốt đáp ứng yêu cầu nói trên. 2) Tôn trọng các
hình thức thờ cúng, tín ngưỡng dân gian phù hợp với truyền thống văn hóa của
dân tộc và nếp sống mới lành mạnh, tiến bộ của nhân dân. Bài trừ mê tín dị
đoan. 3) Ngăn chặn các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo mới phát sinh hoặc du nhập
trái với đạo lý, truyền thống và phong tục tốt đẹp của dân tộc. Xử lý nghiêm những
người có hành vi truyền đạo trái phép. Nghiêm cấm việc tổ chức, thành lập hoặc
du nhập các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo có tính chất phản động.
Trong Nghị quyết số 25-NQ/TW tại
Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX), ngày
12/3/2003 về công tác tôn giáo, ghi rõ: Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công
dân vì lý do tín ngưỡng tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng,
tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của
Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ dân tộc, gây rối, xâm phạm an
ninh quốc gia không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê
tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức
tuyên truyền đạo, người truyền đạo và cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm
các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Quán triệt quan điểm, chủ
trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như ở trên, trong thời gian
qua các cơ quan chức năng ở địa phương chủ yếu tiến hành những biện pháp kết hợp
giữa quản lý hành chính gắn với tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân thực
hiện tín ngưỡng đúng quy định pháp luật.... Những hoạt động này đã thu được nhiều
kết quả đáng khích lệ, như: hạn chế sự phát triển của nhiều HTTGM; giải tán được
một số HTTGM có nội dung và hoạt động thiếu lành mạnh, trái pháp luật; xử lý
hành chính, xét xử theo pháp luật các đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để
gây rồi xã hội và kiếm lời bất chính; tịch thu nhiều tài liệu bất hợp pháp liên
quan đến các HTTGM;... Qua đó góp phần hạn chế sự phát triển và tác động tiêu cực
của chúng.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà
nước đối với các HTTGM vẫn tồn tại các bất cập sau:
Thứ nhất, về mặt khoa học: Cho đến
nay, từ giới khoa học cho đến các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo chưa đưa
ra được một khái niệm thống nhất về HTTGM. Điều này sẽ tạo ra sự lúng túng
trong nhận diện các đặc điểm của HTTGM, tạo ra sự lầm lẫn giữa khái niệm HTTGM
nói chung với khái niệm tà đạo nói riêng. Từ đó, làm cho các cơ quan quản lý gặp
không ít khó khăn cả trong nhận thức và cả trong thực tiễn ứng xử với chúng.
Chính vì vậy, việc làm rõ nội hàm và ngoại diên của khái niệm HTTGM là hết sức
cần thiết.
Thứ hai, sự xuất hiện các HTTGM ở
nước ta cũng như trên thế giới là một xu thế khách quan trong điều kiện mở cửa
và hội nhập quốc tế rộng rãi hiện nay. Các HTTGM không thể nằm ngoài đời sống xã
hội chúng ta hiện nay, nó làm thay đổi diện mạo đời sống tôn giáo, làm thay đổi
cấu trúc, loại hình tôn giáo ở nước ta và buộc nhà nước phải thừa nhận như là một
thực thể xã hội phải đối diện, nó đã và đang đặt ra những thách thức về chính
sách tôn giáo nói chung, chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo nói riêng và pháp
luật của nước ta, điều này buộc các cơ quan nghiên cứu, các nhà quản lý phải
tính đến.
Thứ ba, xu hướng chính trị hóa của
các HTTGM thực sự đang là những thách thức đối với Đảng và Nhà nước. Hoạt động
của một số HTTGM đã động chạm đến những vấn đề về quan hệ quốc tế, bôi nhọ lãnh
tụ Đảng và Nhà nước ta, thậm chí có liên hệ với các thế lực phản động, thù địch
trong và ngoài nước, đã gây ra những những vụ việc gây rối trật tự trị an, nói
xấu chế độ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết dân
tộc. Tuy nhiên, nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý và chính
quyền của các địa phương chưa thấy hết được sự nguy hại, mức độ ảnh hưởng và hậu
quả của nó đối với đời sống xã hội.
Để công tác quản lý nhà nước về
các HTTGM đạt hiệu quả cao hơn nữa, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:
Một là, về mặt khoa học, cần phải
đi đến một sự thống nhất trong nhận thức về HTTGM, tức là đưa ra được khái niệm
về HTTGM và các đặc trưng của nó để làm cơ sở nhận thức giải quyết các vấn đề
thực tiễn. Cần có sự nghiên cứu bài bản, quy củ từ góc độ xã hội học về HTTGM để
có được những số liệu thống kê khách quan, đầy đủ trong cả nước cũng như ở từng
địa phương. Trên cơ sở đó mà phân loại, đánh giá và có phương pháp quản lý phù
hợp.
Hai là, Nhận thức và ứng xử với
HTTGM ở nước ta hiện nay cần phải đặt trong mối quan hệ với hiện tượng tôn giáo
mới đang diễn ra trên thế giới. Phải thấy đây là một xu hướng không tránh khỏi
trong điều kiện toàn cầu hóa, mở cửa, hội nhập và của xu hướng cá thể hóa tôn
giáo đang diễn ra trong những thập niên gần đây. Điều này sẽ giúp chúng ta chủ
động và kịp thời ứng phó, không rơi vào bị động.
Ba là, Về chính sách và pháp luật:
Cần xây dựng hệ thống pháp luật với những quy định cụ thể và thống nhất trong
toàn quốc về các HTTGM để tạo ra một “hành lang pháp lý” phục vụ công tác quản
lý, đấu tranh với các HTTGM hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng.
Bốn là, Về công tác quản lý.
Cùng với các cấp chính quyền, cần có sự tham gia tích cực và hiệu quả hơn của
các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương, mà trước hết là Hội Cựu chiến binh,
Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam , Đoàn thanh niên CSHCM... bởi những
người tham gia trong các HTTGM phần lớn là những người dân nghèo và phụ nữ. Thường
xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phong trào
toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.
Năm là, Đảng, Nhà nước cần quan
tâm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương thực hiện tốt,
có hiệu quả các Chương trình an sinh xã hội. Tăng cường phát triển kinh tế,
nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quần chúng nhân dân. Xây dựng nếp sống
văn hóa lành mạnh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường tôn
giáo, tín ngưỡng lành mạnh.
Cùng với nhiều loại hình tôn
giáo, tín ngưỡng truyền thống, ở Việt Nam hiện nay có nhiều HTTGM. Những HTTGM
này có vai trò nhất định đối với một bộ phận người dân, nó đáp ứng nhu cầu tâm
linh, giải tỏa đời sống tinh thần thậm chí là nhu cầu cấp thiết về vật chất của
họ khi thực tế đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ở nhiều nơi sự phát triển
các HTTGM lại làm phức tạp tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, gây
nên tâm lý hoang mang, lo sợ trong cộng đồng, xáo trộn đời sống nhân dân, tiềm ẩn
nhân tố gây bất ổn xã hội.
Vì vậy, trong thời gian tới cần
thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết hiệu quả vấn đề HTTGM, một mặt, đảm
bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, đồng thời đấu tranh, ngăn chặn,
làm thất bại các âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng chính sách tự do tôn
giáo của Đảng và Nhà nước để chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét