Đảng, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận của công dân. Tuy nhiên, đối với việc sử dụng mạng xã hội để dàn dựng, xuyên tạc sự thật, tung tin sai trái, thất thiệt với ngôn ngữ, nội dung phản cảm, thô tục, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến các tổ chức, cá nhân, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì phải chấn chỉnh, xử lý để răn đe người vi phạm và phòng ngừa chung.
Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có
các biện pháp khuyến khích công dân ứng xử có văn minh trên mạng xã hội, bảo đảm
cho tự do ngôn luận đi theo chiều hướng tích cực, có lợi, đáp ứng được những
yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Việc xây dựng các quy định luật pháp về tự do ngôn
luận của mỗi quốc gia đều căn cứ truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, những
điều kiện, bối cảnh lịch sử cụ thể… Như tại Singapore, luật pháp quy định phạt
đến 100.000 đôla Singapore hoặc phạt tù tới 3 năm với hành vi nói xấu, phỉ
báng, vu khống trong sinh hoạt hằng ngày và trên mạng xã hội; nếu bị phát hiện
đưa tin giả lên mạng xã hội, khi nhà chức trách yêu cầu cải chính mà không chấp
hành, có thể sẽ bị phạt đến 20.000 đôla Singapore hoặc 12 tháng tù. Luật pháp
nước này nghiêm cấm các hành vi đi ngược lợi ích và ổn định cộng đồng, làm tổn
hại an ninh và an toàn cộng đồng, làm tổn hại sức khỏe, kích động sự hận thù giữa
các nhóm xã hội, suy giảm niềm tin vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà
nước, làm tổn hại quan hệ giữa Singapore với các quốc gia khác
Ngay như ở một số nước tư bản phát triển, quyền tự do ngôn luận không thể bất
tuân pháp luật. Như ở Mỹ, Tối cao pháp viện nước này đã khẳng định, tự do ngôn
luận không có nghĩa là có quyền bịa chuyện vu khống, phỉ báng cá nhân; giới hạn
về tự do ngôn luận thể hiện qua án lệ của tòa án, cho phép chính quyền có quyền
ngăn chặn, trừng phạt phát ngôn có tính khiêu dâm, phỉ báng, tục tĩu, xúc phạm,
gây hấn. Ở Pháp, pháp luật cũng quy định những giới hạn, có các chế tài nghiêm
khắc đối với hành vi lạm dụng tự do ngôn luận xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp
pháp của người khác, đồng thời chống lại việc vu khống, bôi nhọ, phân biệt chủng
tộc, tôn giáo, kích động bạo lực, gây hận thù. Bộ luật Dân sự của Pháp cấm xâm
phạm đời tư cá nhân; Luật Hình sự nước này cấm xuất bản một số tài liệu liên
quan đến an ninh quốc gia; Luật Tự do báo chí điều chỉnh hành vi tổ chức, cá
nhân trên mạng internet. Ở Anh ban hành “Quy tắc hành nghề cho các nhà cung cấp
nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến” hay ở Australia cũng ra “Bộ Quy tắc ứng
xử trên truyền thông xã hội và bình luận trực tuyến”, điều này cho phép các quốc
gia này kiểm soát vấn đề ngôn luận trên nền tảng mạng xã hội, truyền thông.
Không chỉ mỗi quốc gia riêng biệt, Liên minh châu Âu (EU) cũng ban hành Bộ Quy
tắc ứng xử trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google, TikTok;
cam kết bảo đảm các công ty, tổ chức, cá nhân tiếp cận nhanh chóng, đánh dấu và
gỡ bỏ các phát ngôn thù địch cùng nội dung bất hợp pháp trên các nền tảng của họ.
Việc các nền tảng mạng xã hội chủ động tuân theo bộ quy tắc xuất phát từ việc
EU sẽ trực tiếp giám sát hoạt động này. Báo cáo mới nhất của EU đánh giá kết quả
thực thi của Bộ Quy tắc năm 2020 đã ghi nhận 71% nội dung xác nhận là phát ngôn
thù địch bất hợp pháp đã bị gỡ bỏ, tăng so với con số 26% của năm 2016.
Tự do ngôn luận là một trong các quyền cơ bản của con người, tuy nhiên quyền
này không thể đặt ngoài khuôn khổ pháp luật. Điều 19 Công ước về các quyền dân
sự và chính trị năm 1966 chỉ rõ: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể
phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi
pháp luật, nhằm: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ
an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Điều
19, Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 xác định mọi người đều có
quyền tự do quan niệm, tự do phát biểu quan điểm, tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến
tin tức, ý kiến bằng phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. Đồng
thời, Điều 29 Tuyên ngôn cũng bắt buộc mọi người phải tuân thủ những hạn chế do
luật định nhằm bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng quyền của người khác, đáp ứng
các đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một
xã hội dân chủ.
Theo đó, luật pháp quốc tế khẳng định quyền tự do ngôn luận không phải là tự do
vô hạn, bất tuân pháp luật; trong một số trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh, ở
các quốc gia tự do ngôn luận bị giới hạn. Từ thực tế trên cho thấy, không thể
có tự do ngôn luận tuyệt đối trong bất cứ chế độ chính trị nào, các quốc gia đề
cao tự do ngôn luận phải vì lợi ích chung; những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận
mà gây hại đến tổ chức, cá nhân, lợi ích quốc gia - dân tộc đều bị xử lý.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người,
trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khẳng
định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội
họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để
quyền tự do ngôn luận của người dân được thực thi nghiêm túc và toàn diện, các
luật, văn bản dưới luật về tự do ngôn luận đã cụ thể hóa Hiến pháp, ngày càng
được hoàn thiện để vừa bảo đảm quyền của công dân, vừa giúp quyền đó thực hiện
trên cơ sở luật pháp. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016
và Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng quyền tự do báo
chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền
và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Nghiêm cấm những hành vi đăng tải,
phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt,
gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng;
xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm
uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Ngày 17/6/2021, Bộ
Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng
xử trên mạng xã hội quy định cho tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội có
những ứng xử phù hợp.
Để lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội, góp phần thúc đẩy, bảo đảm tự do ngôn
luận của các tổ chức, cá nhân, điều cần thiết là mỗi người dân cần nhận thức
đúng đắn về quyền tự do ngôn luận, nêu cao ý thức trách nhiệm khi ứng xử trên mạng
xã hội, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản bác
các âm mưu, thủ đoạn sai trái về tự do ngôn luận ở Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét