Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội, các
thế lực thù địch đã đăng tải, phát tán nhiều tin, bài, xuyên tạc, phủ nhận vai
trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Đáng chú ý trong đó có luận điệu cho rằng,
“Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trên Hiến pháp và pháp luật”. Đây là luận điệu
xuyên tạc, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt
Nam, đòi Đảng ta phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, trực tiếp
phá hoại, vô hiệu hóa cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở
nước ta: “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý, điều hành - Nhân dân làm chủ”. Từ đó,
gây tâm lý hoài nghi, dao động, làm tổn hại đến mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa
Ðảng với Nhà nước và Nhân dân; giảm sút
niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, luận điệu “Đảng Cộng sản Việt
Nam đứng trên Hiến pháp và pháp luật” của các thế lực thù địch là vô căn cứ, phản
khoa học, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực chất, họ đã cố tình đánh tráo
khái niệm một cách thô thiển giữa “nhà nước pháp quyền” nói chung với “nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và “nhà nước pháp quyền tư sản”. Chúng ta đều biết,
trong lịch sử xã hội, nhà nước nào cũng mang bản chất của giai cấp nhất định,
do giai cấp cầm quyền lãnh đạo, chi phối. Đơn cử như, nhà nước ở các nước tư bản
hiện nay đều do một đảng, hay liên minh đảng cầm quyền, lãnh đạo, nhưng dù có
liên minh nhiều đảng lãnh đạo thì bản chất của nhà nước vẫn do giai cấp cầm quyền
chi phối là chủ yếu. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tất yếu mang bản chất
giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là nhà nước của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực nhà nước
và xã hội thuộc về nhân dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước
khác hẳn về chất so với nhà nước tư sản và các hình thức nhà nước của giai cấp
thống trị, bóc lột đã có trong lịch sử - nhà nước mà quyền lực thuộc về thiểu số
giai cấp thống trị, bóc lột (chủ nô, phong kiến, tư sản). Như vậy, họ đã cố
tình cắt xén vấn đề cốt lõi nhất của nhà nước là quyền lực thuộc về nhân dân
trong bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước
xã hội chủ nghĩa là đặc trưng bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chỉ có đặt
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trên lập trường giai cấp công nhân, với đường
lối đúng đắn thì nhà nước xã hội chủ nghĩa mới thực sự là nhà nước mang bản chất
giai cấp công nhân, là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây
không chỉ là vấn đề có tính nguyên tắc, mà còn bảo đảm cho nhà nước xã hội chủ
nghĩa thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, trong đó có cả nhiệm vụ xây
dựng hiến pháp và pháp luật.
Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng
cầm quyền sau khi lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi trong Cách mạng
Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Theo đó, nội
dung cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã
hội như một tất yếu lịch sử; là sự lựa chọn của lịch sử. Phương thức cầm quyền
của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn,
định hướng cho sự phát triển của đất nước và toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực
trong từng thời kỳ nhất định. Đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những
nguyên tắc cơ bản nhằm xây dựng Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua hệ thống tổ chức đảng và đảng
viên hoạt động trong các cơ quan Nhà nước và các tổ chức của hệ thống chính trị.
Điều đó đã được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định:
“Các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ
Hiến pháp và pháp luật”. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội
ngũ cán bộ trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước; phát
huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thường xuyên tuyên truyền,
giáo dục, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản
lý xã hội, ủng hộ và tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chấp
hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Luận điệu cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đứng
trên Hiến pháp và pháp luật”, về thực chất, các thế lực thù địch đã cố ý xuyên
tạc mối quan hệ giữa Đảng và hệ thống chính trị, phủ nhận cơ chế hoạt động của
hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng cho rằng “Đảng lãnh đạo
nhà nước và toàn xã hội là chuyên quyền, độc đoán, vi phạm dân chủ”. Đó là sự bịa
đặt vô căn cứ, bởi trong mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và hệ thống
chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Đảng giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính
trị, đồng thời là hạt nhân và là một bộ phận của hệ thống ấy. Về cơ chế vận
hành, hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vận hành theo cơ chế “Đảng
lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân lao động làm chủ”. Cơ chế này xác định rõ
vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, thành tố của hệ thống chính
trị và giải quyết các mối quan hệ giữa các thành tố với nhau đảm bảo cho sự vận
hành thông suốt của hệ thống chính trị, thực hiện quyền lãnh đạo của Đảng, sự
quản lý, điều hành của Nhà nước và quyền làm chủ thực sự thuộc về Nhân dân. Đảng
và các tổ chức chính trị - xã hội đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và
pháp luật; các tổ chức đảng, đảng viên không đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Đảng
kiểm tra các tổ chức của Đảng và đảng viên trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước
về việc chấp hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương và các nghị quyết
của Đảng trên thực tế. Hoạt động lãnh đạo của Đảng đều được thực hiện theo Hiến
pháp và pháp luật, chứ không có cái gọi là “Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trên Hiến
pháp và pháp luật”.
Ở một góc nhìn khác, luận điệu cho rằng “Đảng Cộng
sản Việt Nam đứng trên Hiến pháp và pháp luật” của các thế lực thù địch đã công
khai phủ nhận sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và
tính dân tộc sâu sắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực chất,
họ tạo cớ gây mâu thuẫn, chia rẽ quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, giữa
Nhà nước với Nhân dân. Từ khi ra đời đến nay, nhất là khi trở thành đảng cầm
quyền, Đảng ta luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân
dân. Điều đó đã được chứng minh bằng thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng của
Đảng đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, bị áp bức, bóc lột nặng nề của chế
độ phong kiến, chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên địa
vị làm chủ nhà nước và làm chủ xã hội. Vai trò, trách nhiệm của Đảng cầm quyền,
nhất là đối với nhân dân đã được hiến định một cách rõ ràng: “Đảng Cộng sản Việt
Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của nhân
dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”2. Điều đó thể
hiện bản chất tiên phong, trách nhiệm chính trị - pháp lý của Đảng đối với Nhân
dân về vận mệnh của dân tộc và sự phát triển của đất nước.
Thực tiễn hơn 93 năm lãnh đạo cách mạng và 78 năm cầm
quyền đã khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là nhân
tố quyết định bản chất Nhà nước, nền pháp chế xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân, đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn có ý
nghĩa lịch sử, nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín
quốc tế như ngày nay. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống
chính trị tiếp tục được tăng cường, nhất là với Nhà nước trong điều kiện xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Ban hành nhiều quy định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao
nguyên tắc pháp quyền, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm
của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và
quyền làm chủ của nhân dân.
Có thể khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh
đạo Nhà nước và toàn xã hội không hề “đứng trên Hiến pháp và pháp luật” như luận
điệu của các thế lực thù địch đã bịa đặt, rêu rao. Ngược lại, Đảng lãnh đạo Nhà
nước được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) quy định
rõ trong điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công
nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, đại biểu trung thành lợi
ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Như vậy, cả lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam
luôn chứng minh tính đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối
với Nhà nước và toàn xã hội. Không ai có thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên
đó. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân phải hết sức cảnh
giác, tỉnh táo nhận diện rõ ý đồ dã tâm của các thế lực thù địch, thường xuyên
tu dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm
mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, góp phần cùng toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
LNK - H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét