Ngày
11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, nêu rõ mục
đích, phương châm, khẩu hiệu thi đua và tin tưởng: “Với tinh thần quật cường và
lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân
dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.
Ra đời trong
bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang từng bước vượt
qua những khó khăn, thử thách ban đầu, khi nguồn sức mạnh nội lực toàn dân,
toàn diện, tự lực cánh sinh đang được tăng cường nhằm hướng đến mục tiêu: Trường
kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã đánh dấu mốc hình thành Ngày truyền thống Thi đua ái
quốc, có giá trị và ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh,
hạnh phúc hiện nay.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục đích của phong
trào thi đua là “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm… để gây: Hạnh
phúc cho dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước hưởng ứng phong
trào trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo Người, thi đua yêu nước là
một tất yếu khách quan dưới chế độ xã hội mới bởi “làm bất kỳ việc gì, đều cần
phải thi đua nhau” và thi đua sẽ tạo điều kiện kích thích mỗi người hăng hái
trong mọi mặt công tác.
Từ ý nghĩa lớn
lao của phong trào “Thi đua để gây hạnh phúc cho dân” và đặc điểm của thi đua
là tính hăng hái, sáng tạo, luôn vận động và phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng
thời cũng nêu rõ tính “quần chúng” của thi đua. Tất cả những người dân Việt
Nam, “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì”, “bất kỳ già, trẻ,
trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ”, đều có thể
tham gia phong trào thi đua yêu nước. Mặt khác, thông qua những bài nói, bài viết
về thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh bản chất tốt đẹp của thi đua dưới
chế độ xã hội mới: Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề; thi đua có nghĩa
là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau,
giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ.
Nêu rõ ảnh hưởng
và ý nghĩa của phong trào thi đua khi đã “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và
trong mọi tầng lớp nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bằng cách thi
đua, chúng ta sẽ tẩy sạch mọi khuyết điểm, phát triển mọi ưu điểm, vượt qua mọi
khó khăn”. Gắn thi đua yêu nước với rèn luyện đạo đức mới, đạo đức của người
cách mạng, Người nêu: Khẩu hiệu thi đua yêu nước là “Tất cả để chiến thắng. Chiến
thắng thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi
tính xấu trong mình ta”. Thông qua các phong trào thi đua, mỗi người đều có thể
phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay, giúp nhau sửa chữa
khuyết điểm để cùng tiến bộ. Thi đua một cách thiết thực và tích cực như vậy sẽ
giúp con người chiến thắng các tật xấu, hướng về những điều tốt đẹp, dẹp bỏ dần
những hư danh, vị kỷ của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời thi đua cũng làm
cho con người nâng cao tinh thần tiết kiệm, ý thức giữ gìn của công và hướng
lòng mình đến chí công vô tư.
Tùy từng thời
điểm lịch sử và nhiệm vụ cụ thể, song nội dung của thi đua yêu nước luôn gắn liền
với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự... nhằm từng bước đem lại
hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý rằng: Đề ra mục
đích thi đua không chỉ góp phần động viên mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi địa
phương tập trung tinh thần và lực lượng để phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm
vụ được giao, mà thi đua còn cổ vũ mọi người chống bệnh quan liêu, chống nạn
tham ô, lãng phí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Thi đua
là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người
yêu nước nhất”. Như vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ coi thi đua là một hoạt
động vật chất, mà còn bao hàm nội dung tinh thần, là biểu hiện cao đẹp của tình
yêu quê hương đất nước, là tấm lòng của mỗi người dân Việt với non sông gấm vóc
mà ông cha ta đã gây dựng nên. Với quan điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến
thi đua yêu nước thành sức mạnh của hàng triệu người, của toàn dân tộc trong sự
nghiệp kháng chiến, kiến quốc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thi đua không
phải công việc riêng của một người, một ngành, một địa phương hay một lực lượng
nào mà là công việc của toàn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt ra yêu cầu về
kế hoạch thi đua là “kế hoạch của người nào hoặc nhóm nào phải do người ấy,
nhóm ấy tự động, tự giác, tự nguyện làm lấy. Không nên bao biện như
cán bộ tự mình đặt kế hoạch rồi đem đọc qua trước hội nghị để mọi người giơ tay
"tán thành". Thế là cách làm quan liêu”.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh nhận định: "Thi đua cải tạo con người”. Quan điểm này cho thấy
Người đã lấy phong trào thi đua, coi phong trào thi đua yêu nước là trường học
thực tiễn rộng lớn để xây dựng “những con người kiểu mẫu, là những đầu tàu để
giúp đỡ và lôi kéo những người khác cùng thi đua, cùng tiến lên”. Bản chất tốt
đẹp nhất của con người là ý chí không ngừng vươn lên cái tốt đẹp bằng trí tuệ
và bằng hoạt động lao động sáng tạo của mình, cho nên qua thực tiễn phong trào
thi đua rộng rãi của các ngành, các tầng lớp nhân dân, những phẩm chất tốt đẹp
của con người Việt Nam mới XHCN được bồi đắp và phát triển. Hiện nay, cùng với
việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị
khóa XII thì tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước càng trở nên có ý nghĩa
nhân văn sâu sắc. Theo những chỉ dẫn, nội dung, biện pháp của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, phong trào thi đua yêu nước đã góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến,
kiến quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh
tế thắng lợi thì nay nhất định cũng sẽ góp phần đưa sự nghiệp đổi mới của chúng
ta đến thành công, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội
dân chủ, công bằng và văn minh.
NVH - KBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét