Những suy diễn, nhận định không khách quan, không đúng bản chất của các
thế lực thù địch về vấn đề Tây nguyên là nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn
dân tộc và chống phá Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhân sự
kiện 2 nhóm đối tượng sử dụng vũ khí tấn công trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea
Ktur trên địa bàn huyện Cư Kuin ngày 11/6/2023, mạng xã hội xuất hiện không ít
những bài viết nhân danh tôn giáo, nhân quyền để xuyên tạc tình hình chính trị,
kinh tế, xã hội ở Tây Nguyên là “bị ngăn cách với thế giới”, “bị cô lập”, bị
“chính quyền áp đặt văn hóa và mị dân”. Đồng thời, bôi đen sự thật khi cho rằng
người Thượng bị “o ép”, bị “ngăn cản” cấm không được ra nước ngoài, bị “cấm
không được theo đạo Tin Lành”, bị “người Kinh cướp đất” nên bức xúc “tấn công
chính quyền vì tức nước vỡ bờ”’… Song sự thật thì “đây là vụ khủng bố nhằm chống
chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong âm mưu, hoạt
động của số phản động Fulro lưu vong nhằm thành lập “Nhà nước Đề ga”, gây ra bất
ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung” như đồng chí Trương Thị
Mai, Thường trực Ban Bí thư đã nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo,
chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến địa bàn Tây Nguyên, tổ chức ngày
7/7/2023 vừa qua…
Tây Nguyên không bao
giờ bị cô lập mà ngày càng phát triển. Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai,
Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng là một vùng lãnh thổ đặc thù của Tổ quốc - nơi bên
chân dãy Trường Sơn đại ngàn, đồng bào các dân tộc thiểu số anh em đã tạo dựng
lên vùng đất Tây Nguyên kiêu hãnh, hào hùng. Trong hàng ngàn năm kiến tạo, người
dân Tây Nguyên bao đời phải chống chọi với gian nan, thử thách khắc nghiệt của
thiên nhiên và sự tàn bạo, coi thường của kẻ thù. Không cam chịu đắm chìm trong
đói nghèo, lạc hậu, trong cảnh bị đối xử kỳ thị, bất công của chính sách ngu
dân, chia để trị nhằm gây mâu thuẫn, chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc anh
em, đồng bào Tây Nguyên nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
cùng đất nước đứng lên, kề vai sát cánh chiến đấu chống lại thực dân Pháp, đế
quốc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước.
Vì thế, Tây Nguyên không bao giờ bị “ngăn cách với thế giới”. Bởi, trước
năm 1975, dân số Tây Nguyên chưa đến 1 triệu người, nhưng hiện nay do nhiều đợt
di dân, nên đã có hơn 5 triệu người (tăng hơn 5 lần trong vòng 40 năm qua).
Theo Tổng cục Thống kê, địa bàn Tây Nguyên hiện có đủ 54 dân tộc anh em cùng
sinh sống và là vùng có đông thành phần dân tộc nhất Việt Nam/nơi duy nhất có đủ
các nhóm ngôn ngữ - dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống (đồng bào dân tộc
thiểu số tại chỗ chỉ còn chiếm 26,58%, đồng bào Kinh chiếm 64,69%, các dân tộc
nơi khác đến chiếm 8,73%). Thực tế cho thấy, những dòng người di cư từ khắp nơi
đã không chỉ mang đến Tây Nguyên những phương pháp canh tác sản xuất khác cư
dân tại chỗ, mà còn mang đến vùng đất này những lối sống, những bản sắc văn hóa
vùng miền khác nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng, sinh động về lối sống, văn
hóa, tôn giáo…; trong đó, đáng lưu ý nhất là từ năm 1986 đến nay đã có khoảng
50. 000 người Hmông từ phía Bắc di cư vào Tây Nguyên (đa số người Hmông di cư
là tín đồ theo Đạo Tin lành).
Một Tây Nguyên suốt chiều dài lịch sử luôn là một phần “máu thịt” của cộng
đồng các dân tộc Việt Nam; từng đồng cam cộng khổ và kiên cường đấu tranh chống
lại sự áp bức, bóc lột của triều đình nhà Nguyễn, chống lại sự thống trị của thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ để được giải phóng, để thống nhất trong lòng Tổ quốc chắc
chắn không bao giờ bị “ngăn cách với thế giới” như các thế lực thù địch bịa đặt.
Một Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, giữ một vị trí trong yếu trong quốc
phòng, an ninh và sự phát triển bền vững của quốc gia luôn là “miền đất hứa” mà
các thế lực muốn xâm chiếm Đông Dương, đe dọa sự tồn vong của Việt Nam, Lào,
Campuchia và châu Á nhòm ngó. Và thực tế là, mặc dù các thế lực thù địch liên tục
thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, kỳ
thị sắc tộc để gây ra cuộc biểu tình, bạo loạn (tháng 2/2001, tháng
4/2004 và gần đây là cuộc tấn công trụ sở công an xã trên địa bàn huyện Cư Kuin
ngày 11/6/2023), hòng làm cho Tây Nguyên bất ổn, để từ đó xuyên tạc sự thật
tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của vùng đất
này; nhất là bôi đen vấn đề thực thi nhân quyền và tự do tôn giáo của Đảng và
Nhà nước Việt Nam, song có thể khẳng định rằng: Tây Nguyên không chỉ ổn định
mà còn tiếp tục phát triển.
Với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 18/1/2002 của Bộ
Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng
Tây Nguyên”, hệ thống chính trị các cấp ở Tây Nguyên đã không chỉ tập trung giải
quyết những vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách, mang tính đột phá như đất đai, nhà ở,
việc làm, nước sinh hoạt, xóa đói nghèo, y tế… cho bà con các dân tộc thiểu số,
mà còn chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, đặc
sắc của cộng đồng các dân tộc anh em. Cùng với đó, việc huy động mọi nguồn lực
phát triển mạng lưới giao thông như hệ đường bộ toàn vùng kết nối các tỉnh Tây
Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn cả nước và các nước
trong khu vực. Hệ thống giao thông liên cửa khẩu nối liền Tây Nguyên với
Campuchia và Lào, qua các cửa khẩu quốc tế ĐĐắk Ruê (Đắk Lắk), Lệ Thanh (Gia
Lai), Bờ Y (Kon Tum). Đường hàng không phát triển với ba sân bay Liên Khương,
Buôn Ma Thuột và Pleiku; đường Hồ Chí Minh cùng đường hành lang kinh tế Đông -
Tây đi qua các tỉnh vùng Tây Nguyên… đã không chỉ tạo điều kiện để các vùng
sâu, vùng xa, vùng biên giới được thông thương thuận tiện, mà còn góp phần phát
triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân vùng
Tây Nguyên.
Thực tế, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng Tây Nguyên
đều tăng cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Cụ thể, “giai đoạn 2016 -
2020, tăng trưởng bình quân của vùng Tây Nguyên đạt 6,55%; GRDP bình quân đầu
người đến năm 2020 đạt 55,6 triệu đồng/người, gấp 1,4 lần so với năm 2016. Cơ cấu
kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng
- dịch vụ. Tỷ trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ,
thuế trợ cấp sản phẩm năm 2020 tương ứng là 33,51%; 21%, 40,83% và 14,66%”(1).
Vì thế mà, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
đã ngày càng chuyển biến tích cực, khởi sắc; cuộc sống du canh, du cư, ốm đau bệnh
tật được khắc phục dần; đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng...
Cũng vì thế, Tây Nguyên không phải “là vùng đất gần như đóng cửa với thế giới” mà
là kết nối để phát triển bền vững. Bởi, đánh giá đúng vị trí chiến lược và vai
trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng,
an ninh, đối ngoại của Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ quan tâm
lãnh đạo, chăm lo đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh,
quốc phòng vùng Tây Nguyên sau hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm (1945-1975)
đã để lại hậu quả nặng nề, mà còn đặc biệt quan tâm phát triển vùng đất này
trên tinh thần làm tốt kinh tế, xã hội sẽ góp phần quan trọng vào ổn định chính
trị, trật tự xã hội; và ngược lại, tình hình ổn định tốt thì mới yên tâm phát
triển kinh tế-xã hội như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị
về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng
Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 23).
Quan điểm “phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của
Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối
với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước” và “xây dựng và phát
triển Tây Nguyên kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo
vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại” đã,
đang được triển khai. Đó chính là, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng
giao thông, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, hàng lang kinh tế
Bắc - Nam để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới; phát triển hạ tầng y
tế, giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Đó là thực hiện các chính
sách để nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người
dân; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc.
Đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền
thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên gắn
liền với việc duy trì, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu đặc
trưng của vùng và di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số… với dự kiến tăng
trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 là khoảng 7-8%.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét