Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội
ngũ cán bộ phải đề cao và thực hành đoàn kết, nhất trí, giữ gìn sự đoàn kết, nhất
trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình, phải rèn luyện phong cách lãnh đạo sâu
sát, tỉ mỉ, gắn bó với cơ sở, gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân
dân, phải thiết thực và toàn diện, tránh phô trương, hình thức. Theo Bác, sau
khi nghị quyết được ban hành, phải tổ chức tốt việc thực hiện nghị quyết, để
nghị quyết đi vào cuộc sống. Muốn vậy, đòi hỏi người cán bộ phải sâu sát, tỉ mỉ,
phải “đi tận nơi, xem tận chỗ”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn lãnh đạo đúng, trước
hết phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Nhưng để quyết định đúng mọi vấn đề,
thì phải có phong cách công tác sâu sát; phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng, suy
tính kỹ lưỡng, phải đi sâu, đi sát, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể.
Người chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử
trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ
làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy"[1]. Trước khi ra
các quyết định “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến
nơi đến chốn”[2], phải tiếp nhận
các thông tin đầy đủ và bảo đảm có phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan
duy ý chí, phải xây dựng thói quen tôn trọng thực tế khách quan, không tô hồng,
bóp méo sự thật; làm việc với tầm nhìn xa trông rộng trên cơ sở dự báo khoa học
về tình hình có liên quan để tránh bị động bất ngờ và tránh xa vào công việc
mang tính sự vụ thiển cận. Người đã phê phán gay gắt những cán bộ mắc "bệnh
cận thị", “Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến
mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ... Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi
hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn”[3].
Nhấn mạnh về
vai trò của phong cách lãnh đạo sâu sát của cán bộ, đảng viên khi Hồ Chí Minh về
thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Bắc Giang ngày 6-4-1961."Về
lãnh đạo, cán bộ phải thật sự đoàn kết, nhất trí, phải đi sâu đi sát, phải lãnh
đạo thiết thực và toàn diện”.
Lời huấn thị trên được trích trong thông báo của Chủ
tịch Hồ Chí Minh về nội dung đợt chỉnh huấn cho toàn Đảng, toàn dân, do Trung
ương phát động, khi Người về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Bắc
Giang ngày 6-4-1961.
Thực hiện lời Bác dạy, trong những năm qua, Đảng ta
luôn nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của việc xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết,
thống nhất trong Đảng, xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ sống
còn của Đảng, của dân tộc. Đặc biệt, trong thời kỳ mới, Đảng luôn quan tâm lãnh
đạo công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo
và sức chiến đấu của Đảng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất; kiên quyết chống “tự
diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Sự nghiệp đổi mới đất nước đã thu được kết quả rất
quan trọng, tiếp tục nâng cao vị thế, khẳng định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu
của Đảng. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng đã luôn giữ gìn sự đoàn kết nhất
trí, phấn đấu hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Tuy nhiên, cũng còn một bộ
phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai
nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo
danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng…
Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng
nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong
Đảng, kiên quyết đấu tranh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, mỗi cán bộ, đảng
viên trong Đảng nói chung, trong Đảng bộ Quân đội nói riêng, luôn gương mẫu đi
đầu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, gắn với đẩy mạnh học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc
làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa
phương, đơn vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Cán bộ, đảng viên phải có tác
phong dân chủ, quần chúng, sâu sát, gần gũi, chân thành lắng nghe tâm tư, nguyện
vọng và thành tâm tiếp thu sự phê bình của quần chúng, luôn đề cao tự phê bình
và phê bình.
NXT- H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét