CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

LAO ĐỘNG ĐẶC BIỆT CẦN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ

 

Theo quy định tại Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10-5-2016 của Chính phủ thì từ ngày 1-1-2022, thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của nam quân nhân tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45% là 20 năm, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% cho đến mức tối đa 75%.

Như vậy, để có thể được hưởng mức lương hưu 75%, nam quân nhân phải có đủ 35 năm đóng BHXH. Bên cạnh đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần cũng thay đổi theo lộ trình. Cụ thể, nếu bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính trong 5 năm cuối; nếu bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1995 đến 31-12-2000 thì tính bình quân của 6 năm cuối... Với quân nhân bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2025 trở đi, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ được tính theo toàn bộ thời gian tham gia BHXH.

Những thay đổi trong chế độ hưu trí như nêu trên không chỉ áp dụng riêng với đối tượng quân nhân mà là chính sách chung cho người lao động theo Luật BHXH. Điều này nhằm bảo đảm BHXH hoạt động đúng nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tuy vậy, các quy định có phần “đánh đồng” quân nhân-vốn là những người lao động trong môi trường đặc biệt, không quản thời gian, không gian, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, với lao động nói chung khiến nảy sinh những điểm chưa hợp lý. Thứ nhất, theo quy định trên thì nam sĩ quan có quân hàm từ trung tá trở xuống nghỉ hưu khi hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ sẽ không có đủ 35 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu 75%, vì nếu nhập ngũ sớm nhất (năm 18 tuổi), nhận sổ hưu năm 52 tuổi (với quân hàm trung tá) thì cũng chỉ có 34 năm đóng BHXH. Thứ hai, nếu tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để làm căn cứ tính lương hưu trong toàn bộ thời gian tham gia BHXH thì lương hưu của quân nhân sẽ giảm đáng kể, bởi hầu hết quân nhân đều có nhiều năm là học viên sĩ quan hoặc hạ sĩ quan, chiến sĩ, hưởng phụ cấp và đóng BHXH ở mức thấp.

Điều đáng nói là những bất hợp lý này không chỉ ảnh hưởng đến chế độ hưu trí của quân nhân mà còn khiến việc thu hút nhân tài vào quân đội khó khăn hơn. Sinh viên tốt nghiệp đại học thông thường đã 22 tuổi, nếu nhập ngũ năm 23 tuổi thì để có đủ 35 năm đóng BHXH cần phải nhận sổ hưu ở tuổi 58, nghĩa là phải có quân hàm đại tá. Tất nhiên số này sẽ không nhiều, bởi vậy, hầu hết sinh viên nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học sẽ không có đủ thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu 75%. Điều này cộng hưởng với việc người tham gia BHXH sau thời điểm 1-1-2025 sẽ phải tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo toàn bộ thời gian khiến lương hưu của quân nhân càng giảm thêm nữa. Vì thế, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng thanh niên, sinh viên sẽ “ngại” nhập ngũ phục vụ lâu dài trong quân đội sau thời điểm 1-1-2025.

Quân đội là ngành lao động đặc biệt, cần có những chính sách đặc thù. Giải quyết những bất hợp lý phát sinh trong chế độ hưu trí đối với quân nhân là việc làm thiết thực góp phần chăm lo quân đội và hậu phương quân đội, xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng của đất nước./.

LQT-H8

0 nhận xét: